Những bê bối thuốc giả, thực phẩm bẩn rúng động Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Trong nhiều năm qua, người dân Trung Quốc liên tục phải chứng kiến hàng loạt vụ bê bối về thuốc giả, thực phẩm bẩn đe dọa sức khỏe cộng đồng khiến họ vô cùng phẫn nộ.

Bê bối vắc-xin giả rúng động Trung Quốc
Những ngày qua, dư luận Trung Quốc vô cùng phẫn nộ trước vụ bê bối làm giả vắc-xin dành cho trẻ sơ sinh.
Trẻ sơ sinh được tiêm vắc-xin tại một bệnh viện ở Aksu, khu vực Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Reuters) 
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, trang Chính phủ Trung Quốc... sau quá trình điều tra, Cục quản lý Dược và Thực phẩm Cát Lâm (Trung Quốc) phát hiện Công ty nghiên cứu kỹ thuật sinh học Trường Sinh ở Cát Lâm đã cung cấp cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Sơn Đông khoảng 252.600 liều vắc-xin DTP "3 trong 1" (vắc-xin dùng cho trẻ sơ sinh để tránh khỏi 3 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván).
Số vắc-xin này đã được sử dụng tiêm cho 215.184 trẻ em từ 6 tuần đến 3 tháng tuổi ở 8 huyện, thị trong tỉnh, chỉ còn 5.241 ống do hao hụt và còn lại trong kho.
Trước đó khoảng 5 ngày, Cục Giám sát Dược phẩm Trung Quốc phát hiện Công ty Khoa học kỹ thuật sinh học Trường Sinh, tỉnh Cát Lâm đã làm giả các số liệu về vắc-xin phòng dại và buộc công ty phải đình chỉ việc sản xuất, tiêu thụ. Nếu tiêm loại thuốc này thì 100% người bệnh sẽ chết vì không hề có kháng thể. Mỗi năm Trường Sinh sản xuất và tiêu thụ 3,5 triệu liều vắc-xin phòng dại.
Hồi tháng 11 năm ngoái, cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc cũng phát hiện một nhà sản xuất khác cung cấp hơn 400.000 liều vắc-xin "3 trong 1" kém chất lượng cho các cơ sở y tế ở Trùng Khánh và Hà Bắc.
Các vắc-xin kém chất lượng của hai công ty trên được xác định không có tác dụng tạo ra kháng thể giúp trẻ đối phó với nguy cơ bạch hầu, ho gà, uốn ván, song hiện không rõ các thuốc đó có gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhỏ hay không.
Tuy nhiên, điều gây nên phẫn nộ là Trường Sinh chỉ bị tịch thu 186 ống vắc-xin không đạt chuẩn còn tồn kho và phạt hơn 3,4 triệu NDT. Mức phạt này không thấm gì so với lãi ròng 566 triệu NDT/năm của Trường Sinh. Chưa hết, năm 2017, Công ty Trường Sinh còn được chính phủ hỗ trợ tới 48,3 triệu NDT. Cơ quan giám sát dược đã tiến hành điều tra Trường Sinh từ tháng 11/2017, nhưng đến nay mới công bố kết quả.
Mấy năm gần đây, ở Trung Quốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ bê bối về vắc-xin. Năm 2016, một vụ tiêu thụ vắc-xin quá hạn sử dụng đã dẫn đến việc 200 người bị bắt, một số lượng vắc-xin bảo quản không đúng quy định hoặc quá hạn sử dụng trị giá 570 triệu NDT đã được tiêu thụ phi pháp khắp Trung Quốc.
Những vụ bê bối này khiến dư luận ở Trung Quốc hoang mang và phẫn nộ cũng như mất lòng tin vào vắc-xin trong nước. Nhiều gia đình có điều kiện cho biết đã đưa con xuống phía Nam, sang Hong Kong để tiêm vắc-xin “5 trong 1”.
50 công ty bị tố làm gia vị nước chấm giả
Đầu năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã điều tra gần 50 công ty bị tố cáo là sản xuất hàng loạt các loại nước chấm và gia vị giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Thông tin xuất hiện sau khi hãng tin Beijing News có bài viết nói rằng họ đã phát hiện quá trình sản xuất thực phẩm mất vệ sinh của các công ty ở thành phố Thiên Tân. Bài viết nêu rõ, các công ty trên đã sử dụng nhiều thành phần không được kiểm duyệt như muối công nghiệp trong các loại gia vị mà họ sản xuất – gồm nước chấm, dấm.
 
Các sản phẩm trên sau đó được dán nhãn hàng giả để nhái nhiều hãng sản xuất nổi tiếng như Maggi, Knorr và Nestle. Được biết, các loại đồ gia giảm thực phẩm trong đó có gia vị và nước cốt gà, được sử dụng hết sức phổ biến ở cả nhà hàng và trong hộ gia đình ở Trung Quốc và có thể tìm mua ở bất cứ đâu.
Gần 50 công ty lớn nhỏ, đang hoạt động ngầm trong một khu dân cư, đã sản xuất ra một số lượng lớn các loại gia vị giả có tổng giá trị lên tới 100 triệu NDT (14,5 triệu USD) mỗi năm.
Quy trình sản xuất và đóng gói sản phẩm trong các phân xưởng này rất mất vệ sinh, sử dụng các dụng cụ tự chế như túi nhựa và vòi nước tưới hoa…
Các cơ sở này còn được cho là đã sử dụng loại muối công nghiệp rất độc hại đối với sức khỏe con người nếu ăn phải. Họ cũng tái sử dụng các sản phẩm thừa từ các nhà máy thực phẩm khác, và bị bắt tận tay đang sử dụng các thành phần nguy hiểm khác như chất tạo ngọt công nghiệp Cyclamte.
Đây là bê bối thực phẩm bẩn gây chấn động Trung Quốc duy nhất trong những năm gần đây.
Thịt đông lạnh hơn 40 năm
Tháng 6/2015, chính quyền Trung Quốc phát hiện khoảng 800 tấn thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều lô có hạn từ những năm 1970.
Số thịt này nếu không kịp thời bị phát hiện, sẽ được chuyển tới các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, siêu thị ở tỉnh Hồ Nam và một số tỉnh, thành phố lớn khác của Trung Quốc. Khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, số thịt trên đang trong tình trạng bị thối rữa và phân huỷ nghiêm trọng.
Lô thịt quá hạn hơn 40 năm bị thu giữ. Ảnh: CEN.
Quan chức ở Quảng Tây cho hay một số thịt đông lạnh "hơn 40 năm tuổi đời". Điều này có nghĩa, chúng được đóng gói từ khi Chủ tịch Mao Trạch Đông còn lãnh đạo Trung Quốc. Ông qua đời năm 1976.
Hãng tin China Daily khẳng định các nhóm buôn lậu đã mua thịt rẻ ở nước ngoài, tuồn vào Trung Quốc.
Một quan chức chống buôn lậu tiết lộ các băng nhóm thường vận chuyển thịt bằng các phương tiện thông thường, không có tủ đông, để tiết kiệm chi phí. Do đó, thịt nhanh bốc mùi hơn.
Cung cấp thịt gà quá hạn cho KFC
Vào tháng 7/2014, Đài phát thanh truyền hình Thượng Hải phát sóng phóng sự điều tra về Công ty TNHH Phúc Hỷ (Shanghai Husi Food Co.). Theo đó, nhóm phóng viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng cho thấy công ty này cung cấp thực phẩm quá hạn cho các cửa hàng ăn nhanh như McDonald, KFC, Pizza Hut ở thị trường Trung Quốc.
Những nguyên liệu đó được Công ty TNHH Phúc Hỷ sửa chữa hạn sử dụng của thịt nguyên liệu. Theo đó, nhiều lô thịt gà quá hạn tới 15 ngày vẫn được công ty sử dụng và "chế biến" thành gà McNuggets.
Shanghai Husi Food Co. cung cấp thực phẩm quá hạn cho các cửa hàng ăn nhanh như McDonald, KFC, Pizza Hut ở Trung Quốc.
Theo điều tra của phóng viên, số gà quá hạn, bốc mùi được tẩy rửa trên "được ưu tiên" xuất sang Trung Quốc. Quá trình điều tra vụ bê bối bán thịt bẩn cho thấy, thịt hun khói của Kentucky cũng được chế biến từ số thịt quá hạn sử dụng. Thậm chí, có số thịt đã lên nấm mốc dùng làm nguyên liệu chế biến bít tết còn quá hạn tới 7 tháng.
Thậm chí, Phúc Hỷ còn không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà xưởng khiến các giai đoạn sơ chế nguyên liệu mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bê bối bán thịt bẩn, quá hạn sử dụng của Công ty TNHH Phúc Hỷ gây chấn động dư luận. Ngay sau khi phóng sự trên được phát sóng, Công ty TNHH Phúc Hỷ bị đình chỉ hoạt động sản xuất, các nhà xưởng bị niêm phong. Cơ quan chức năng cũng điều tra các công công ty có sử dụng nguyên liệu của Husi trên toàn Trung Quốc đã lần lượt niêm phong những lô hàng nghi sử dụng thịt đáng ra nên đem đi tiêu hủy.
Dầu ăn cống rãnh
Năm 2011, một loạt cửa hàng tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc buôn bán dầu ăn được sản xuất từ "dầu cống rãnh". "Dầu cống rãnh" là loại dầu được tái chế từ chất béo của thịt thối hoặc mỡ thừa của động vật. Một số loại còn được tái chế từ dầu đã qua sử dụng đóng mảng ở cống xả thải và thùng phi.
 
Dầu cống rãnh được bán cho các nhà hàng, hàng rong và được sử dụng nhiều lần để chiên rán. Nhiều người cho rằng chúng thậm chí còn được dùng trong nhà máy sản xuất thực phẩm và kháng sinh.
Dù chính quyền Trung Quốc đã ngay lập tức có biện pháp xử lý tình trạng này, họ cũng thừa nhận rằng không có một phương pháp chắc chắn nào để có thể phát hiện dầu bẩn.
Giá sống và đậu đũa gây ung thư
Tháng 4/2011, 40 tấn giá nhiễm hóa chất độc hại bị tịch thu ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Các nhà nông đã dùng phụ gia chứa nitrit natri, urê, thuốc kháng sinh và hormon tăng trưởng để làm giá cho cọng lớn, trắng phau cấp kỳ. Nitrit natri phản ứng với acid trong dạ dày là một trong những tác nhân gây ung thư.
Tháng 3/2010, Công an thành phố Vũ Hán đã tịch thu và tiêu hủy 3,5 tấn đậu đũa có dư lượng thuốc trừ sâu isocarbophos quá cao nhập từ thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Vụ này sở dĩ nổi đình đám vì nghi ngờ có dấu hiệu bao che sau khi cơ quan tư pháp thành phố Tam Á phê bình chính quyền thành phố Vũ Hán “thiếu thận trọng” khi công bố vụ bê bối này.
Sữa nhiễm melamine gây rúng động Trung Quốc
Vụ bê bối thực phẩm này xảy ra ở năm 2008. Khi đó, 16 trẻ em được phát hiện mắc sỏi thận sau khi uống sữa bột do công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc sản xuất. Sau khi vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng phát giác sữa và sữa bột trẻ em của tập đoàn này nhiễm chất độc melamine. Công ty này đã dùng melamine trộn vào trong sữa để làm cho thực phẩm có độ đạm cao hơn, phớt lờ những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm.
Các ông bố, bà mẹ đưa con đến bệnh viện khám và điều trị ở Bắc Kinh trong thời điểm bê bối sữa nhiễm melamine xảy ra.
Cơ quan chức năng Trung Quốc còn phát giác công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc đã cố tình che đậy bê bối này từ cuối năm 2007 khi người tiêu dùng gửi đơn khiếu nại.
Theo số liệu ước tính, bê bối sữa nhiễm melamine gây ảnh hưởng 300.000 người, với 54.000 trẻ phải nhập viện và 6 bé tử vong do tổn thương thận. Ngay sau đó, các sản phẩm của công ty quốc doanh thuộc tập đoàn Tam Lộc bị thu hồi trên diện rộng nhưng tới cuối năm 2010 mới kết thúc.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)