Chống thực phẩm bẩn, phải đồng hành với thực phẩm an toàn

Google News

Chúng ta nói không với thực phẩm bẩn thì cũng cần thiết có chương trình truyền thông để đồng hành với thực phẩm sạch và an toàn.

Đây là chia sẻ của ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tại buổi đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ thực hiện với chủ đề “Chống thực phẩm bẩn- Cuộc chiến bắt đầu đầu từ cơ sở”.
Chong thuc pham ban, phai dong hanh voi thuc pham an toan
 
Ông Đỗ Hữu Tuấn nhấn mạnh, theo thông tin của Bộ NN&PTNT thì về mặt quy định chất lượng VSATTP của chúng ta rất đầy đủ và nhiều quốc gia mong muốn có được vị trí xuất khẩu nông sản như Việt Nam. Ông Tuấn cho rằng, vai trò của truyền thông rất quan trọng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.
“Bên cạnh việc chỉ ra đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm an toàn, đâu là cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn và đâu là cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn, chúng ta nói không với thực phẩm bẩn thì cũng cần thiết có chương trình truyền thông để đồng hành với thực phẩm sạch và an toàn. Qua những chương trình như vậy, chúng ta sẽ cung cấp thông tin đến cho người tiêu dùng có thể lựa chọn thực phẩm an toàn như thế nào, ở đâu, qua đó lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng. Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ thông tin theo hướng tích cực, cung cấp bức tranh đầy đủ về thực trạng ATTP ở Việt Nam”, ông Tuấn chia sẻ.
Cùng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT cũng kêu gọi người tiêu dùng hãy ủng hộ những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để các cơ sở sản xuất những sản phẩm an toàn có động lực phát triển sản xuất, đồng thời người tiêu dùng cũng đóng góp vào việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho chính mình và cộng đồng.
Cũng theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, ở quy mô địa phương thì hơn ai hết, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP thông qua các lực lượng chức năng ở các tỉnh, TP là người sát sao nhất tình hình ở địa phương, căn cứ trên tình hình đấy thì mới có những đề xuất triển khai những hoạt động phù hợp với yêu cầu quản lý của địa phương .
Hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP đã được quy định rất rõ giữa các cơ quan chuyên môn từ trung ương đến địa phương quy định tại Luật Thanh tra và Luật An toàn thực phẩm. Trong thực tế việc thanh, kiểm tra cũng đã được triển khai rất mạnh mẽ, động bộ. Theo báo cáo năm 2015, đã kiểm tra khoảng 500.000 cơ sở, các địa phương đã xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt lên tới hơn 30 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm 2016 cũng kiểm tra khoảng 200.000 cơ sở và số tiền xử phạt là 19 tỷ đồng. Cuối năm 2015, Thủ tướng đã phê duyệt quyết định về triển khai mô hình thí điểm thanh tra, kiểm tra ATTP tới quận/huyện, phường/xã và mô hình này đã đưa ra được một số điểm mới, cách làm mới nhằm tháo gỡ khó khăn và được triển khai tại 5 quận và 10 phường ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, sắp tới sẽ sơ kết 6 tháng triển khai mô hình này để báo cáo Thủ tướng và nhân rộng đến các địa phương khác.
Ông Tuấn nhấn mạnh, quyền lợi của người tiêu dùng đã được quy định rất rõ trong Luật ATTP và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài những quyền lợi được pháp luật bảo hộ, chúng ta có quyền quay lưng lại với thực phẩm không an toàn và những nhà sản xuất đưa thực phẩm không an toàn ra tiêu thụ ngoài thị trường.
Mời các bạn xem video clip: Phát hoảng với thực phẩm bẩn đe dọa người tiêu dùng.
Theo Sức Khỏe Đời Sống

Bình luận(0)