Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định 5 tội danh liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Theo đó, mức phạt dành cho hành vi biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường có thể lên tới 20 năm tù. Đây được coi như một chế tài thể hiện tinh thần quyết liệt dẹp bỏ vấn nạn thực phẩm “bẩn” đang diễn ra phổ biến gây bức xúc cho xã hội thời gian qua.
|
Thực phẩm bẩn đang thực sự trở thành nỗi sợ hãi của bất cứ ai.
|
Cụ thể, tại Điều 317 quy định rất chi tiết về “Tội vi phạm quy định về VSATTP”. Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Như vậy, người chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ đều bị xử lý hình sự, phạt tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định. Nếu hành vi trên gây hậu quả nặng hơn, làm chết 1 người sẽ bị phạt 200-500 triệu đồng, phạt tù 3-7 năm, làm chết 2 người phạt tù đến 15 năm và làm chết 3 người trở lên phạt tù đến 20 năm. Tương tự, Điều 193 đã quy định chi tiết hơn về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Bên cạnh mặt hàng lương thực, thực phẩm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất 2-5 năm, không tính đến số lượng và giá trị hàng hóa...
Những quy định này khi đi vào cuộc sống sẽ là một chế tài mạnh để ngăn chặn các hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn mất đạo đức, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người.