Đây là lần đầu tiên trong quá trình hơn hai mươi năm làm tư vấn tâm lý, hôn nhân, gia đình, chúng tôi phải tư vấn thật lâu cho một đôi nam nữ trung niên có mâu thuẫn, bất đồng với nhau ngay trước khi họ chưa đi đến quyết định kết hôn. Vì chưa kết hôn, chúng tôi không dám gọi họ là “đôi vợ chồng”, cũng chưa dám tin sau buổi tư vấn ấy, họ vẫn tiến tới hôn nhân.
Anh là cán bộ của một cơ quan, cũng đã 54 tuổi. Vợ anh mất cách đây hai năm do ung thư. Anh có 3 đứa con, hai đứa con lớn đã lấy vợ, ở riêng. Đứa thứ ba là con gái, đã đi học nước ngoài, anh dự định sẽ cho con ở lại kiếm việc làm và định cư bên đó, vì bên đó anh cũng có nhiều người thân, người nhà. Anh còn trẻ trung, phong độ, vẫn còn làm việc vài năm nữa. Kinh tế gia đình anh có thể nói là khá giả ở Hà Nội. Anh tâm sự, nhiều lúc cô đơn lắm, nhưng anh không phải là người sống buông thả, dễ dãi, có thể đến với bất cứ người phụ nữ nào để “giải khuây”. Anh cũng cho biết, nhiều anh em đồng nghiệp giới thiệu cho anh những phụ nữ trẻ, chỉ ngoài 30, ở quê được gọi là “gái ế”, nhưng thật sự đó là những cô gái quá lứa chút xíu thôi, họ chịu thương, chịu khó, chân thành, chất phác, rất mong muốn có chồng và có con. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với một vài đối tượng, anh nhận ra mình không phù hợp, nhất là cái “phông văn hóa”, anh bảo thế. Anh thèm uống ly cà phê mà vợ anh trước đây còn sống hay pha cho anh mỗi sáng. Anh quen mắt với những bó hoa sen hồng vợ anh chọn lựa kỹ từng bông, cắm vào lọ một cách nghệ thuật. Anh muốn ăn bún thang vợ nấu, uống trà vợ pha, nói chuyện văn chương, thơ phú với nhau cũng được, đi dạo quanh hồ cũng được. Bây giờ anh không thể chấp nhận có một người phụ nữ được anh coi là vợ mà anh phải uốn nắn từng việc từ những ngày đầu…
Ảnh minh họa
Rồi anh chỉ người phụ nữ đi cùng, giới thiệu: “Còn đây là cô Hòa, bạn gái của vợ tôi. Họ sinh ra cùng một phố, lớn lên học cùng trường tiểu học, trung học. Chỉ có điều, khi lớn lên, mỗi người một con đường, một số phận. Vợ tôi yêu tôi, lấy tôi, không đặt gánh nặng sự nghiệp riêng, mà lấy niềm vui chăm sóc chồng con làm niềm vui của mình. Còn Hòa, cô ấy học đại học, kết hôn với một giảng viên, cũng là thầy giáo của cô ấy. Tuy nhiên, ngay từ ngày đầu kết hôn, cô ấy đã thấy mình không hạnh phúc, bởi cô ấy và chồng cũng khác nhau quá xa, không thể dung hòa. Tuy nhiên, giống như nhiều phụ nữ Hà Thành thế hệ trước, cô ấy kiên nhẫn, cam chịu chung sống với người chồng vũ phu, ti tiện, cốt để gia đình không tan nát, con cái không bị tổn thương. Đến năm ngoái, khi cả hai đứa con đã trưởng thành, cô ấy mới quyết định ly hôn. Chúng tôi có ý định tiến xa, tức là tái hôn với nhau, vì tôi nhìn thấy ở cô ấy đến 80% vợ tôi. Cô ấy cũng nhất trí, các cháu của hai chúng tôi cũng ủng hộ. Tuy nhiên, chúng tôi còn một vài bất đồng nhỏ, mà không thống nhất được. Vì thế, chúng tôi muốn được lắng nghe ý kiến từ những người ngoài, khách quan như các anh, các chị ở đây…”.
Khi người đàn ông ngừng lời, người phụ nữ đi cùng mới nhỏ nhẹ tham gia câu chuyện: “Dạ, xin phép các anh, các chị được thưa chuyện ạ. Anh Hùng (tên người đàn ông) nói giữa chúng tôi chỉ có những bất đồng nhỏ, nhưng thật ra, tôi nghĩ đó là những bất đồng khá lớn. Hai người dù có yêu nhau đến đâu, quý nhau đến đâu, thì hôn nhân cũng gắn liền với những sự việc phát sinh như tài sản chung và con cái. Chúng tôi đang có mâu thuẫn ở cả hai vấn đề này”.
Hóa ra, người đàn ông hào hoa kia cũng “phức tạp” lắm. Con cái trưởng thành, kinh tế cũng khá giả, anh cần tìm người phụ nữ tâm đầu ý hợp để sống nốt quãng đời còn lại, phải có những nét giống như người vợ cũ của mình, nhưng đến khi quyết định kết hôn, anh cũng cân nhắc nhiều về tài sản, khiến người phụ nữ bị tổn thương. Anh nói thẳng rằng anh có 3 đứa con, tài sản anh có là của các con và là công sức đóng góp của vợ cũ, nên anh không thể nhập vào tài sản chung khi hai người kết hôn. Anh sẽ lấy một số tiền nhất định, yêu cầu chị cũng đóng góp một ít để hai người mua chung một ngôi nhà riêng biệt, ở chỗ khác, để hai người chung sống. Chị nói chị không có tiền, nhưng chị có căn nhà tập thể, giờ chị ở đó một mình, bởi các con không ở cùng chị, nhưng anh không đồng ý. Anh bảo thế vẫn mang tiếng ở nhà vợ. Anh bàn với chị bán căn nhà của chị, trích một phần đóng góp mua nhà mới cùng anh, còn lại chia cho các con hoặc gửi tiết kiệm riêng của chị, nhưng chị không đồng ý. Chị muốn giữ căn nhà, nơi lưu dấu những kỷ niệm thời thơ ấu của các con, nơi các con có thể trở về bất cứ lúc nào chúng muốn, chứ bán nhà rồi, các con biết về đâu.
Tuy nhiên, vấn đề tài sản vẫn chưa phải là vấn đề gay cấn nhất của họ. Điều chị khó chịu, định bỏ cuộc là việc anh muốn sau khi kết hôn, chị phải sinh ít nhất một đứa con chung. Chị nói, tuy chị cũng đã 51, nhưng chưa “hết thời con gái”, vẫn có thể sinh con, nhưng không dám chắc chắn. Hơn nữa, ở cái tuổi sắp bế cháu mà giờ sinh con nhỏ, chị cũng ngại. Anh bảo, quan trọng là “có đẻ được nữa hay không, chứ sinh con giờ không vất vả, có thể thuê người giúp việc, kinh tế thì không khó khăn để nuôi thêm một đứa con. Nhưng đứa con nó là sợi dây gắn kết, tạo ra một gia đình, là vợ chồng mà không có con chung, khác gì “cặp bồ với nhau”. Chị không đồng ý những suy nghĩ đơn giản của anh về sinh con, nuôi con. Chị lo “mẹ già con cọc”, sợ khó có thai, nếu có thai thì ở tuổi này rồi, nguy cơ sinh con dị tật là rất lớn. Nếu may mắn, con có lành lặn, thì chỉ mười, mười lăm năm nữa, đứa con bước vào tuổi 15, tuổi mới lớn, hai ông bà gần 70 tuổi có thể dạy con được nữa hay không? Anh lại dẫn chứng nhiều người sinh con ở những năm cuối cùng của tuổi thanh xuân, con cái vẫn khỏe mạnh, thành đạt. Bây giờ xã hội hiện đại, nuôi dạy con cái được “xã hội hóa” nhiều, chứ bố mẹ nào tự dạy dỗ, giáo dục con cái đâu.
Hai người đều là những người có học thức, họ cũng đã phân tích cho nhau nghe trên cả tinh thần khoa học lẫn pháp luật, chúng tôi không cần phải cố gắng “chỉ dẫn” họ điều gì. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông gia trưởng, có tư tưởng cũ kỹ, so đo, tính toán, chứ không phải một người đàn ông hào hoa, phong nhã. Chúng tôi ủng hộ ý kiến của chị, một người phụ nữ rất biết mình, biết người. Nhân viên tư vấn của chúng tôi góp ý:
- Rất cảm ơn anh chị đã tin tưởng mà đến đây để chia sẻ câu chuyện của mình. Với tư cách một người khách quan, bên thứ ba, tôi nhận thấy nếu anh chị nghĩ thoáng hơn một chút, buông bỏ một số điều, bớt cầu toàn, nghĩ đến những vấn đề quan trọng nhất của cuộc hôn nhân, anh chị sẽ thống nhất được việc hôn nhân sắp tới của mình. Thứ nhất, tôi ủng hộ việc anh không nhập tài sản riêng của anh đang có vào tài sản chung sau kết hôn. Điều này đúng luật pháp. Hơn nữa, chị cũng không phải người phải đi lấy chồng “để cậy, để nhờ” nữa. Tuy nhiên, yêu cầu chị bán căn nhà (duy nhất) của mình, nộp một số tiền rồi mua chung nhà với anh để ở là điều không hợp lý, không thấu tình. Anh cứ mua một căn nhà mang tên anh, lấy nhau rồi, chị về ở cùng anh, thuyền theo lái, gái theo chồng mà. Anh cũng có thể cởi bỏ tư duy “ở rể”, về ở luôn căn nhà hiện nay của chị, khỏi thuê, khỏi mua.
Còn chuyện con cái, anh cũng có lý, chị cũng không sai. Nhưng anh chị hãy coi việc có con chung chỉ là một “nguyện vọng”, có được thì càng tốt, không có cũng không sao, không phải là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Chắc anh không có ý định ép chị “sống thử” như những thanh niên bây giờ, đến khi nào chị có thai, anh mới cưới chị chứ? Lúc này anh chị phải xác định kết hôn là để có người “làm bầu làm bạn”, sẻ chia vui buồn hàng ngày, nâng đỡ nhau lúc ốm đau, trái gió trở trời, chứ không phải để sinh con, đẻ cái. Anh chị sắp bước vào giai đoạn bận rộn với vai trò ông bà nội, ngoại rồi đấy. Còn nếu thật sự anh chị không thể thống nhất được quan điểm về hai vấn đề nêu trên, tốt nhất hãy là những người bạn tốt cũng được. Đừng quên rằng, chung sống với nhau sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề bất đồng khác nữa, không thông, không thoáng ngay từ ban đầu sẽ khó giải quyết những vấn đề phát sinh về sau.
Hai người bình thản, hòa nhã, cảm ơn và chào tạm biệt chúng tôi ra về, kèm theo lời hứa “chúng tôi sẽ suy nghĩ thêm về vấn đề trao đổi hôm nay”.