Một người đàn ông 65 tuổi (Đức) sau khi nhận thấy tay mình có những mảng đỏ trên da giống như vẩy nến đã tới một phòng khám ở Mannheim để kiểm tra. Tại đây ông được chẩn đoán mắc bệnh viêm da bạch cầu.
Đây là tình trạng tế bào bệnh bạch cầu được tìm thấy trong mô da. Hội chứng này rất hiếm, xảy ra ở khoảng 3% người bị bệnh bạch cầu. Biểu hiện bệnh thường xuất hiện ở chân, sau đó là cánh tay, lưng, ngực, da đầu và mặt.
Bệnh bạch cầu ở người lớn có thể xuất hiện các triệu chứng gồm sốt hoặc ớn lạnh, mệt mỏi dai dẳng, suy nhược và nhiễm trùng thường xuyên hoặc nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân này không có bất kỳ triệu chứng nào như vậy. Ông chỉ phát ban trên bàn tay và khuỷu tay.
Các xét nghiệm tại bệnh viện kết luận bệnh nhân có số lượng bạch cầu cao và số lượng tiểu cầu thấp. Người đàn ông sau đó được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu myelomonocytic mạn tính và phải cấy ghép tế bào gốc.
Biểu hiện bất thường trên bàn tay của bệnh nhân người Đức
Sau ca phẫu thuật khoảng 2 tuần, các tổn thương trên da của bệnh nhân có tiến triển khả quan, bệnh ung thư đã thuyên giảm kể từ đó.
Tình trạng bệnh có thể khác nhau ở từng trường hợp. Hầu hết các tổn thương thấy ở các ca ung thư máu do biến chứng của bệnh bạch cầu gây ra.
Bản thân độc tính của một số phương pháp điều trị bệnh bạch cầu như hóa trị liệu đôi khi cũng có thể gây ra các tổn thương.
Người mắc bệnh bạch cầu có thể không hay biết cho tới khi đi xét nghiệm máu. Nếu thấy có 6 dấu hiệu này bạn nên đi kiểm tra sức khỏe ngay.
Những đốm đỏ dưới da
Những đốm xuất huyết màu đỏ hoặc đỏ tía thường xuất hiện thành đám trên ngực, lưng, mặt, cánh tay của người bệnh có thể là triệu chứng cho thấy máu không đông.
Đau nhức xương, khớp
Đau sâu trong xương là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch cầu. Cơn đau xảy ra khi tủy xương nở do sự tích lũy bạch cầu bất thường. Những vị trí đau phổ biến là xương dài ở chân và cánh tay, có thể đau nhói hoặc âm ỉ.
Giảm cân không lý do
Một dấu hiệu thông thường ở bệnh bạch cầu là mất khẩu vị. Bệnh có thể diễn ra từ từ nên người bệnh bị sụt cân mà không nhận ra.
Thường xuyên bị sốt, nhiễm trùng
Bệnh bạch cầu cấp hoặc mãn tính đều làm giảm sức đề kháng của cơ thể gây sốt kéo dài. Bạn cũng có thể hay bị nhiễm trùng hơn thông thường. Nguyên nhân là do các tế bào ung thư đã đẩy bạch cầu khỏe mạnh ra ngoài, không để chúng thực hiện chức năng của mình.
Dễ chảy máu, bầm tím
Tất cả các dạng chảy máu không lý giải được đều có thể là dấu hiệu của bệnh bạch cầu bởi khi đó chứng giảm tiểu cầu sẽ ngăn máu đông. Những vết bầm tím vì vậy xuất hiện trên da dù bạn không va vào đâu. Ngoài ra, chúng còn có mặt ở những nơi lạ như ngón tay, bàn tay, bụng, lưng.
Một số vấn đề liên quan đến chảy máu gồm: kinh nguyệt dài kỳ bất thường ở phụ nữ, thường xuyên chảy máu cam, đứt tay khó lành.
Đau bụng
Khi bạch cầu cấp tiến triển, nó có thể gây sưng tấy ở gan hoặc lá lách làm bạn thấy đau bụng hoặc đầy bụng. Một số người lại bị đau thắt lưng, buồn nôn hoặc mất khẩu vị.