Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai- Mũi- Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM cho biết, đây có thể là một trong các nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp phải nhập viện vì mù khô.
Hơn 5 ngày nay, sau khi hiện tượng mù khô xuất hiện ở TP HCM, các chuyên gia môi trường nhận định đây có thể do cháy rừng ở Indonesia. Các lớp tro bụi khuếch tán vào không khí, khi gặp những nơi có độ ẩm cao tích tụ lại thành những dung dịch hỗn hợp có tính kiềm.
Khi hít vào cơ thể những dung dịch này thì có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp.Với những trẻ em cơ địa dễ dị ứng hoặc hệ thống miễn dịch kém, hiện tượng này dễ gây kích thích niêm mạc đường hô hấp. Những hạt bụi tro nhỏ trong lớp không khí bị ô nhiễm có thể đi sâu xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, co thắt phế quản. Một số trường hợp khác có thể bị đau mắt đỏ hoặc bị chảy nước mũi.
|
Nhiều trẻ em ở TP HCM mắc các bệnh về đường hô hấp có thể do "mù khô". Ảnh: Khánh Trung. |
“Để tránh việc hít những lớp không khí bị ô nhiễm này, mỗi khi ra đường mọi người nên có biện pháp bảo vệ cho mình. Người khỏe mạnh nếu ngày nào cũng hít chất đó vào trong người có thể gây kích ứng đường hô hấp, viêm hô hấp, nên phải đeo khẩu trang khi lưu thông trên đường”, bác sĩ Sơn khuyến cáo.