Mới đây, vụ việc cháu bé 8 tháng tuổi bị giúp việc bạo hành dã man ở Phan Thiết khiến nhiều người sửng sốt, bàng hoàng. Đây không phải là lần đầu tiên vụ việc rúng động này xảy ra, trước đó đã có không ít vụ người giúp việc bạo hành trẻ em khác bị phát hiện.
Dưới đây là những lý giải về mặt tâm lý của các chuyên gia về nguyên nhân dẫn đến những người giúp việc có thể hành động một cách độc ác, vô nhân tính với những đứa trẻ ngây thơ vô tội.
|
Hình ảnh em bé 8 tháng tuổi ở Phan Thiết bị giúp việc bạo hành. |
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý của công ty An Việt Sơn, có 2 nguyên nhân có thể khiến người giúp việc bạo hành trẻ dã man.
Đầu tiên, với những trường hợp gia chủ đối với người giúp hòa đồng, tốt bụng nhưng họ vẫn hành hung, đánh đập em bé con chủ nhà khi họ vắng mặt có thể do tâm lý ích kỉ, ghen ghét cá nhân.
Thực tế, những người đi làm giúp việc thường có hoàn cảnh khó khăn, kinh tế thiếu thốn nên dễ nảy sinh tâm lý ghen ghét, với hoàn cảnh sống tốt hơn mình của chủ nhà. Và họ chọn cách hành hạ con chủ nhà cho thỏa cơn hờn ghen trong lòng.
Trường hợp thứ 2, nếu gia đình chủ nhà đối xử khắc nghiệt, không công bằng, coi thường hay chửi mắng giúp việc thì việc họ đánh đập bé như một cách để trả thù cho bõ những hậm hực, tức tối trong lòng phải chịu.
Ngoài ra, công việc giúp việc và trông trẻ cũng khá vất vả. Nếu con bạn nghịch ngợm, hay quấy khóc, khó dỗ dành, khó ăn uống cũng có thể khiến người giúp việc không giữ được bình tĩnh mà hành hạ đánh đập trẻ.
|
Một em bé là nạn nhân của tình trạng giúp việc bạo hành |
Cũng lý giải về vấn đề này Ông Trịnh Viết Then, Giảng viên bộ môn Tâm lý học, Đại học Văn Hiến đưa ra một số phân tích chia sẻ rất kĩ. Theo ông Then việc bạo hành đánh đập trẻ em thực chất là những hành vi ứng xử tiêu cực trong những tình huống vượt quá khả năng ứng phó của người khi chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.
"Về mặt tâm lý thì khi thực hiện hành vi bạo hành là lúc người chăm sóc đang rơi vào trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý (stress), dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi. Và họ không còn tỉnh táo để suy xét xem việc làm đó của mình đúng sai thế nào có hậu quả nguy hiểm thế nào?", ông Then cho hay.
Cũng theo ông Then, thông thường với những người giúp việc, chăm trẻ thậm chí cả bố mẹ em bé họ thường khó kiểm soát hành vi nếu em bé liên tục quấy khóc, nghịch phá, la hét, không nghe lời, không chịu ăn ... Tình trạng ấy được lặp đi lặp lại làm cho người trông giữ cảm thấy bực bội, khó kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình. Đó chính là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc bạo hành xảy ra.
Bên cạnh nguyên nhân trên, một nguyên nhân khác cũng thường khiến người lớn bạo hành trẻ em là do họ gặp phải những áp lực, bức xúc trong mối quan hệ với bố mẹ em bé hoặc xã hội. Những áp lực đó, khiến họ rơi vào trạng thái căng thẳng tâm lý, thù ghét, bực bội nên dẫn đến cảm xúc, hành vi tiêu cực như "giận cá chém thớt" trút giận lên các bé có bõ tức.