Nguy cơ bệnh tim mạch khi ăn mỳ tôm hàng ngày

Google News

(Kiến Thức) - Mỳ tôm là loại thực phẩm ra đời sau so với các loại thức ăn truyền thống như bún, mỳ gạo, miến nhưng nó đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường.

Mỳ tôm tiện nhưng không lợi
Mỳ tôm được làm từ nguyên liệu chính là bột mỳ, bột sắn là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ bột đường và chất béo, lượng chất đạm có rất ít và chủ yếu là đạm thực vật. 
Vì vậy, nếu chỉ ăn mỳ tôm mà không bổ sung thêm chất đạm, chất xơ thì bữa ăn mất cân đối, nếu ăn tái diễn thường xuyên, liên tục như vậy cơ thể sẽ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mạch máu, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất. Trong mỳ ăn liền chứa nhiều chất béo bão hòa (chứa nhiều axit béo no, khó tiêu hóa), carbonhydrates (chất bột) và rất ít chất xơ.
Nguy co benh tim mach khi an my tom hang ngay
 Ảnh minh họa.
Trong quá trình sản xuất, mỳ ăn liền được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao nên dầu dễ bị oxy hóa và có khả năng tạo ra các chất béo dạng "trans fat" nhiều hơn. "Trans fat" sẽ làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ. 
Ngoài ra, trong gói mỳ còn có gói nhỏ gia vị và gói mỡ, 2 gói này làm bát mỳ ăn liền thêm màu sắc hấp dẫn, chất phụ gia và hương vị có tác dụng tạo sự ngon miệng, đánh lừa cảm giác của người ăn nhưng không tốt cho người bệnh tim mạch, huyết áp cao.
Sử dụng mỳ tôm nên thêm nhiều rau xanh
Từ năm 2007, trên một số phương tiện thông tin đại chúng chúng ta đã đề cập đến vấn đề "trans fat", nhưng người tiêu dùng Việt Nam có thể chưa biết hoặc quá dễ tính lên vẫn sử dụng. Còn cơ quan quản lý thì chưa đưa ra quy định về việc ghi thành phần trans fat trên thực phẩm. 
Mặc dù vậy, các nhà sản xuất cũng cần phải đi tiên phong trong vấn đề đảm bảo sức khoẻ cộng đồng, sức khoẻ người dân bằng việc cam kết sản phẩm của mình không có "trans fat" và nghiên cứu bổ sung thêm chất xơ. 
Trong lúc chờ đợi những quy định về "trans fat" trong các sản phẩm thực phẩm ở Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ bản thân bằng cách chọn mua các sản phẩm của các nhà sản xuất có thương hiệu, nhất là các cơ sở đã áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đạt chất lượng.
Tùy theo sở thích, cũng như sức khoẻ của người tiêu dùng mà có cách lựa chọn thích hợp. Xét về góc độ cá nhân, từ vài năm nay tôi không sử dụng sản phẩm này trong các bữa ăn sáng. 
Những người mắc bệnh rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, tiểu đường cần hạn chế sử dụng sản phẩm này. Không nên dùng mỳ ăn liền trong các bữa chính, vì mỳ ăn liền chỉ cung cấp calo còn thiếu vitamin và protein cho cơ thể. Để bảo đảm an toàn cho sức khoẻ khi ăn mì ăn liền chúng ta nên bổ sung thêm rau xanh và các loại đạm từ thịt, trứng để bù đắp lượng vitamin và protein thiếu hụt của mỳ ăn liền.
BS Nguyễn Văn Tiến (Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng)

Bình luận(0)