Người vợ không có quyền ghen

Google News

“Mình làm gì có quyền ghen?”, Khanh nói rồi nhấn mạnh: “Thật đấy. Mình có thể làm tất cả, nhưng ghen thì không!”

Khanh kể, chồng Khanh không có gì để chê. Trừ bữa trưa ăn ở cơ quan, ngày hai bữa anh ăn cơm nhà. Tối nào bạn bè rủ đi thì anh báo tin rõ ràng chi tiết cho vợ rằng đi với ai, ở quán nào, mấy giờ về. Anh không đi quá mười một giờ đêm. Hàng tháng lương đưa đủ, hai đứa con anh phụ trách đưa đón một đứa, chuyện họ mạc anh em, anh chu đáo không ai có thể chê trách.
Anh chu toàn trong ngoài, cho mẹ con Khanh một mái nhà, nhưng tình yêu với vợ thì không.
Ngay từ ngày gặp nhau lần đầu do hai nhà giới thiệu anh đã nói rõ anh sẽ lấy vợ vì gia đình muốn thế. Anh sẽ chăm lo cho gia đình, bổn phận trách nhiệm anh sẽ làm tròn, nhưng đừng nói gì đến tình yêu.
Khanh khi ấy cũng quá 30. Gia đình cứ giục rối. Hết đám này đến đám kia nên Khanh đã nghĩ "lấy ai chẳng được". Thế là đám cưới được tổ chức, hai đứa con lần lượt chào đời. Nhà đổi từ bé sang lớn, xe từ ít bánh sang nhiều bánh. Người ngoài nhìn vào còn nói Khanh vớ trúng vàng mười.
Chỉ Khanh biết, trái tim anh đã gửi cho một người khác. Người ta bệnh, anh cắt phép đến chăm. Người ta lấy chồng, anh mất sức sống suốt mấy tháng trời. Người ta sinh con, anh lo lắng như mình là cha ruột.
Khanh thấy hết, biết hết. Lúc cô ấy ốm Khanh hầm gà đưa anh mang đi. Lúc cô ấy sinh Khanh chuẩn bị giỏ đồ sơ sinh hộ. Khanh làm vì thấy cần thiết chứ không mong được tiếng khen hay một ngày nào đó anh nhìn lại thấy người luôn ở phía sau mình mà nghĩ lại.
Chuyện của anh cứ thế gần chục năm, cho đến một ngày nó tung toé ra, là một người bà con của anh vô tình thấy anh đi cùng người kia, tay trong tay.
Anh hỏi Khanh bây giờ tính sao, Khanh bảo tuỳ anh thôi. Mười mấy năm sống vậy thì thêm mười mấy năm nữa có sao. Khanh đâu nghĩ cho mình giờ này, hai đứa con cần ăn học, Khanh không đủ sức lo cho hai đứa. Nói thẳng thắn thì anh chẳng có lỗi gì. Trách nhiệm làm chồng làm cha anh vẫn chu toàn mà.
Nguoi vo khong co quyen ghen
Nghĩ đến cuộc sống không bận rộn lo toan, lại thấy cứ sống vậy cũng được. (Ảnh minh họa) 
Khanh cười với tôi: “Cậu đừng nói mấy câu lý thuyết trên sách báo, rằng nên sống cho mình, cho bản thân này kia nhé. Mình đã từng nhiều lần muốn được sống cho mình lắm, nhất là khi nghe giữa đêm anh gọi tên người kia với vẻ cưng chiều bảo bọc. Làm sao không đau! Nhưng đau đớn mà đổi lại được cuộc sống yên ổn cho hai đứa con, bố mẹ được yên tuổi già, đám em cháu được nhờ thì đau thế chứ đau nữa mình cũng chịu được. Có là đánh đổi thì mình vẫn có lời, đúng không?”
Chiều chập choạng, Khanh vẫn bình thản nhìn ra mặt sông lênh loang gió và sóng.
“Lâu lâu thèm lắm một lời hỏi thăm kiểu muộn rồi sao giờ này mẹ nó chưa về. Hay là câu giận dữ, đi với thằng nào mà giờ này còn chưa chịu về. Nhưng không, anh đủ tin tưởng để biết vợ sẽ về, nếu đi đâu vợ sẽ báo. Nghĩ đến mười lăm hai mươi năm nữa cứ bình bình thế này, kể ra cũng hãi thật. Nhưng khi nghĩ đến cuộc sống không bận rộn lo toan, lại thấy cứ sống vậy cũng được!”
Nhìn Khanh với cái xe tay ga loại mới nhất hoà vào đám đông mà tôi nghe rười rượi buồn. Khanh gọi tôi ra nói chuyện, là cần người lắng nghe chứ không cần lời khuyên hay chia sẻ. Bởi Khanh luôn tỉnh táo biết mình đang mất gì, được gì và muốn gì. Việc của Khanh là đóng tròn vai, thế thôi.
Theo phunuonline.com.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)