Ai đó từng nói rằng, nếu đếm số lần được về quê với cha mẹ, chắc quỹ thời gian của ông bà chỉ đủ để chúng ta về nhà được vài chục lần nữa. Câu nói ấy rất đúng.
Thời sinh viên, cho tới khi đã ra trường đi làm, tới tận khi đã lấy chồng, sinh con, tôi cũng hay về quê mỗi dịp lễ Tết như bao người khác. Đi nhiều, sống lâu mới biết, đúng là không sơn hào hải vị nào ngon bằng món mẹ nấu. Không ở đâu chân tình bằng anh chị em, người làng người xóm quê mình.
Mỗi dịp nghỉ lễ, ông bà nội ngoại của tôi cũng hay gọi lên hỏi “con có về không?”. Câu hỏi tưởng như hững hờ, về cũng được, không cũng xong, nhưng tôi biết chứa đựng trong đó là biết bao mong mỏi nhận được câu trả lời “con có”.
Nhà nào có con về quê dịp lễ Tết không khác gì nhà có hội. Chưa đến ngày con cháu về nhưng mẹ chồng tôi đã tất bật đi ra đi vào từ trước đó mấy hôm. Sáng nay ghé chợ mua miếng thịt, hôm sau lại ghé mua con cá. Bà ngoại bọn trẻ thì bày biện làm đủ các loại bánh trái, xôi chè. Tôi nhìn thấy niềm vui trong sự tất bật của các bà cho đến tận lúc tiễn con lên Hà Nội.
Thế nhưng, chỉ 3-4 ngày nghỉ mà chúng tôi có những 2 quê. Về bà nội thì bà ngoại buồn và ngược lại. 3-4 ngày đi cả 2 nơi thì không khác gì chạy sô, ăn vội với bà nội bữa cơm lại phải chạy cả trăm cây số sang nhà bà ngoại. Hết lễ, lên đến Hà Nội, vợ chồng, con cái mỏi nhừ người. Cuối cùng, ngày nghỉ lễ lại thành chuyến đi “hành xác”.
Chưa kể, bọn trẻ con thi thoảng lại hỏi: “Sao nhà mình không đi du lịch như nhà các bạn? Lần nào nghỉ lễ bọn con cũng phải về quê”. Bọn trẻ yêu ông bà thật, nhưng chúng vẫn là trẻ con mà. Chúng cũng thích đi chơi như những đứa trẻ khác. Nhu cầu ấy cũng là chính đáng thôi.
Nghĩ vậy, mấy năm nay tôi bàn với chồng và đưa ra một giải pháp mà tôi cho là hợp lý nhất. Cứ mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, tôi lại mời ông bà 2 bên đi chơi cùng. Ban đầu, ông bà ngại lắm vì cả đời chả mấy khi được đi đâu xa, già rồi lại càng ngại đi. Một phần nữa, ông bà sợ các con tốn tiền.
Nhưng một chuyến, rồi hai chuyến, được chúng tôi và mọi người động viên, các cụ dần hứng thú với đi du lịch. Trước giờ chỉ thấy Sa Pa, Bà Nà trên tivi, giờ được ngắm tận mắt, đi tận nơi, ông bà rất vui. Sau mỗi chuyến đi, ông bà lại về khoe suốt với hàng xóm.
|
Cả nhà cùng nhau đi chơi cũng là một lựa chọn sum họp thú vị. Ảnh minh họa: Smart Parents |
Tôi cũng động viên để ông bà yên tâm chuyện tiền nong: “Bố mẹ vẫn còn sức khỏe thì nên đi ngay bây giờ, chứ để vài năm nữa, có tiền cũng chưa chắc đã đi được. Tiền bạc mình có ít thì chọn khách sạn bình dân, có nhiều thì chọn khách sạn sang, liệu cơm gắp mắm. Bố mẹ đã vất vả cả đời rồi, cũng nên hưởng thụ một chút. Bọn con còn trẻ, còn nhiều thời gian để kiếm tiền. Một vài chuyến đi bọn con lo được”.
Từ đó, cứ mỗi dịp lễ được nghỉ từ 3 ngày trở lên, tôi đều sắp xếp cho ông bà nội ngoại đi một chuyến, xa gần tùy vào điều kiện tài chính và số ngày nghỉ. Cả nhà vừa được đi chơi, ông bà nội ngoại lại đều được gặp con cháu, cả nhà sum vầy.
Được đi đây đi đó, ông bà cũng mở mang tầm nhìn và thay đổi quan niệm trong nhiều việc. Tôi thấy bố mẹ mình cởi mở hơn và ngày càng hiểu tâm lý các con, các cháu. Khoảng cách thế hệ được rút ngắn đáng kể.
Nếu như ngày xưa, con cháu không về, có khi bà ngồi sụt sùi khóc vì tủi thân khi nhìn thấy nhà hàng xóm ríu rít. Còn bây giờ, bà chủ động đề nghị “nếu về thì báo bà, không thì bà đăng ký đi chơi với mấy ông bà trong hội người cao tuổi”, khiến chúng tôi nếu không về được cũng không cảm thấy áy náy nhiều. Vì chúng tôi biết là bà đã tự tạo được niềm vui cho mình.
Có thể nhiều người sẽ nói chúng tôi sống hiện đại quá, quên hết cả nguồn gốc, tổ tiên. Thực ra, chúng tôi không ghét hay ngại về quê. Nhưng tại sao lại chỉ có một lựa chọn duy nhất ấy nếu như mục đích chỉ là cả nhà bên nhau để kết nối thế hệ. Đi chơi cùng nhau cũng là một lựa chọn tuyệt vời giống như về quê vậy.
Sau này, khi các con tôi trưởng thành, tôi cũng mong được con rủ đi chơi giống như chúng tôi đang làm với bố mẹ bây giờ. Tôi sẽ không bắt đứa nào phải về quê nếu chúng đang có những lựa chọn thú vị hơn, phù hợp với chúng hơn, nhất là lựa chọn có cả chúng tôi trong đó. Chẳng phải nơi đâu có bố mẹ thì nơi đó là nhà hay sao?