Bà N.N.D. (50 tuổi) bị nhức đầu suốt 3 năm gần đây. Tình trạng này ngày càng tăng nặng, mờ mắt bên trái. Nữ bệnh nhân đã thăm khám nhiều nơi, bác sĩ chuyên khoa mắt đánh giá cơ quan này bình thường.
Người phụ nữ này tiếp tục đến khám ở cơ sở y tế khác, được chẩn đoán viêm xoang, u não. Khi đến khám tại Bệnh viện Đột quỵ, Tim mạch Cần Thơ, kết quả chụp MRI của bệnh nhân cho thấy một "bom máu" trong đầu, có thể vỡ, gây đột quỵ vì xuất huyết não bất cứ lúc nào.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ, Tim mạch Cần Thơ, cho biết đây là túi phình mạch máu não khổng lồ, đường kính 3 cm. Các bác sĩ đã sử dụng đến 5 chiếc coils loại lớn, dài 50 cm/chiếc để bít túi phình cho bệnh nhân.
|
Túi phình mạch máu não với đường kính 3 cm được ví như quả bom của bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
|
Phình động mạch là sự giãn khu trú dạng túi hoặc dạng hình thoi của cơ quan này. Biến chứng đáng sợ nhất là vỡ, gây xuất huyết màng não. Thậm chí, bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng sau xuất huyết.
Theo tiến sĩ Cường, phình động mạch não không liên quan bệnh lý bẩm sinh, chúng xuất hiện trong quá trình phát triển. Do đó, bệnh hiếm gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây phình động mạch vẫn còn là ẩn số. Chúng ta nhận thấy phình động mạch não xuất hiện ở những nơi thành mạch máu chịu tác động của dòng máu lớn nhất.
"Bệnh nhân có túi phình mạch máu não có thể xuất hiện triệu chứng nhức đầu kéo dài, mờ mắt, sụp mi mắt một bên. Tuy nhiên, nhiều người không có biểu hiện, túi phình vỡ bất ngờ gây xuất huyết não", TS Trần Chí Cường cho hay.
Túi phình thường được phát hiện khi khám, tầm soát bệnh lý mạch máu não bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như chụp CT mạch máu não hoặc MRI.
Việc điều trị phình động mạch não có 2 phương pháp là mổ clip túi phình và can thiệp nội mạch. Tỷ lệ vỡ phình động mạch não là 8-10/100.000 dân/năm. Khi vỡ phình động mạch não, 10% bệnh nhân tử vong trước khi vào viện; 10% trường hợp tử vong trong những ngày đầu. 46% người bệnh không qua khỏi trong 30 ngày đầu dù được điều trị tích cực. Những bệnh nhân sống sót sẽ để lại di chứng thần kinh từ nhẹ đến nặng.
Theo bác sĩ Trần Chí Cường, một số bệnh nhân sẽ có dấu hiệu cảnh báo túi phình sắp vỡ là đau đầu. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đột ngột đau đầu dữ dội, sau đó tự hết.
Khi túi phình vỡ, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, cổ (97% các trường hợp). Chúng thường xuất hiện đột ngột, dữ dội, sợ ánh sáng, cứng gáy. Nếu nặng, bệnh nhân có thể rối loạn ý thức từ ngủ gà gật đến hôn mê sâu, kèm theo yếu liệt nửa người hoặc không.