Ngủ ngáy bệnh lý có nguy hiểm không?

Google News

Theo các bác sĩ, nếu ngủ ngáy lâu ngày, người bệnh cảm thấy đau đầu, mệt mỏi khi ngủ dậy, không tỉnh táo, buồn ngủ ngày hôm sau thì nên đến gặp bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mới đây, các bác sĩ Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thực hiện phẫu thuật “4 trong 1” để chữa ngủ ngáy cho bệnh nhân 38 tuổi.
Theo đó, anh Đ.T. (ngụ quận Bình Thạnh) ngủ ngáy kéo dài, thường mệt mỏi, đau đầu, đau họng khi thức dậy, giảm hiệu suất công việc ngày hôm sau. Gần đây, anh khó thở, ngộp thở khi ngủ, nuốt vướng, nghẹt mũi kéo dài mới đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngu ngay benh ly co nguy hiem khong?
Ngủ ngáy lâu ngày, mệt mỏi, đau đầu sau khi thức dậy, cần đi khám để điều trị kịp thời - Ảnh minh hoạ
Sau khi khám lâm sàng, khai thác bệnh sử, thạc sĩ bác sĩ CKI Phạm Thị Phương, Trung tâm Tai Mũi Họng chẩn đoán anh T. viêm amidan quá phát độ 4, hẹp eo họng, quá phát cuốn mũi dưới, lệch vách ngăn mũi.
Bác sĩ Phương giải thích, amidan to gây hẹp đường thở vùng họng nên anh T. thường xuyên phải thở bằng miệng, gây ngủ ngáy. Thở bằng miệng còn là cơ hội cho vi khuẩn, virus tấn công, làm trầm trọng thêm tình trạng viêm amidan, khiến bệnh tái đi tái lại. Lúc này, amidan không còn là cơ chế “phòng ngự” mà trở thành ổ nhiễm trùng.
Quá phát cuốn mũi dưới và vẹo vách ngăn mũi khiến mũi bị tắc nghẽn nên anh T. khó thở, nghẹt mũi kéo dài, không khí đi qua đường mũi hẹp gây ra tiếng thở lớn, đặc biệt khi ngủ. Đó cũng là lý do khiến anh ngủ ngáy.
Ekip bác sĩ Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thực hiện phẫu thuật “4 trong 1” cho anh T. Ekip lần lượt phẫu thuật cắt amidan, chỉnh hình họng màn hầu lưỡi gà bằng công nghệ Coblator giúp cầm máu tại chỗ, ít đau, không làm tổn thương các mô xung quanh. Sau đó, ekip phẫu thuật nội soi chỉnh hình cuốn mũi nhằm giảm kích thước cuốn mũi dưới, chỉnh hình vách ngăn.
Hôm sau, vật liệu mềm này được rút ra, người bệnh có thể thở bằng hai mũi. Ca phẫu thuật được thực hiện khoảng 120 phút. Anh T. nằm viện thêm một đêm để bác sĩ theo dõi và xuất viện sau 24 giờ.
Tái khám sau 2 tuần, anh T. giảm tình trạng nghẹt mũi, khó thở, ngộp thở khi ngủ; ngủ ngáy cải thiện đáng kể.
Bác sĩ Phương cho biết, ngủ ngáy có thể do bệnh hoặc do sinh lý. Ngủ ngáy do sinh lý chỉ thỉnh thoảng xảy ra sau một ngày làm việc quá sức, sau khi uống nhiều rượu bia, tư thế ngủ không đúng.
Ngủ ngáy bệnh lý khi ngủ ngáy lớn tiếng, liên tục và mệt mỏi, đau đầu, đau họng sau khi thức dậy, ngưng thở khi ngủ. Ngủ ngáy bệnh lý cần được đánh giá, điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Bởi ngủ ngáy còn là triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ; nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như cao huyết áp, tiểu đường, suy giảm trí nhớ, rối loạn tình dục, tai nạn sinh hoạt, đột quỵ.
Để hạn chế ngủ ngáy, các chuyên gia sức khoẻ khuyến cáo thực hiện một số biện pháp sau: Thay đổi tư thế ngủ từ nằm ngửa sang nằm nghiêng; Giảm cân đối với những người thừa cân béo phì; Tránh uống rượu trước khi ngủ, không hút thuốc lá do thuốc lá gây kích thích đường hô hấp; Rèn luyện thói quen ngủ nghỉ điều độ tránh tinh thần mệt mỏi; Không nên sử dụng các thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào gây giảm trương lực cơ vùng họng;
Thường xuyên thay ga giường, vỏ gối và giữ vệ sinh phòng ngủ, hạn chế bụi nhà có thể là tác nhân gây dị ứng; Uống đủ nước, ngủ gối đầu cao để giúp khai thông đường thở; Không nên ăn nhiều vào bữa tối, hạn chế thức ăn chế biến từ bơ sữa trước khi đi ngủ. Nếu những ai đang bị viêm mũi gây tiết dịch cản trở đường hô hấp thì dùng thuốc xịt mũi, rửa mũi làm thông thoáng đường thở.
Tập thể dục thường xuyên vừa giảm được cân, lại tăng lượng oxy cung cấp cho não.
Theo các bác sĩ, nếu ngủ ngáy lâu ngày, người bệnh cảm thấy đau đầu, mệt mỏi khi ngủ dậy; không tỉnh táo, buồn ngủ ngày hôm sau thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bảo Châu

>> xem thêm

Bình luận(0)