Ngoài BossMen, những sản phẩm vi phạm nào khiến Cục ATTP “bất lực” khi xử lý?

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài BossMen, gần đây Cục ATTP liên tiếp đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với quảng cáo TPBVSK trên các trang mạng. Thực tế, tình trạng vi phạm quảng cáo trên website khiến cơ quan chức năng đau đầu tìm giải pháp...

Những quảng cáo “vô thừa nhận”…
Theo thông tin Kiến Thức đã đăng tải, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vừa ra cảnh báo TPBVSK BossMen “nổ” công dụng, vi phạm quảng cáo. Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm đã khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe BossMen trên các website myphamthudo.com, magiamgiathang.com, phuctuong.com, rehonnua.org sai quy định của pháp luật về quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Phúc, (Địa chỉ: 9/18 Nguyễn Đình Khơi, Phường 04, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định sản phẩm TPBVSK Bossmen đang được quảng cáo trên các website này không phải do Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Phúc thực hiện. Công ty không chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với sản phẩm được quảng cáo trên các website này.
Ngoai BossMen, nhung san pham vi pham nao khien Cuc ATTP “bat luc” khi xu ly?
TPBVSK BossMen quảng cáo “nổ” công dụng bi cảnh báo 
Thực tế, những cảnh báo như thế này vẫn liên tiếp được Cục An toàn thực phẩm đưa ra nhằm cảnh báo người dân không mua dùng sản phẩm quảng cáo trên website vì sai sự thật, “nổ” công năng quá đà… đến mức chính công ty sản xuất sản phẩm cũng phủ nhận họ không thực hiện các quảng cáo này.
Chẳng hạn, trước đó quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vi- Cumax Nano Curcumin trên một số trang web cũng bị cảnh báo vi phạm quy định quảng cáo, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Sản phẩm này được Công ty TNHH nhà máy CURCUMIN Bắc Hà, (Địa chỉ: Thôn Nam Đội Thân, Xã Nông Thượng, Thành phố Bắc Kạn.) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Tuy nhiên đại diện công ty khẳng định sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vi- Cumax Nano Curcumin đang quảng cáo trên website bị Cục cảnh báo không phải do Công ty TNHH nhà máy CURCUMIN Bắc Hà thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng, và sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Hay như quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Slim Cường Anh và thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trà Thảo Mộc Cường Anh trên các website: cuonganhauthentic.com, cuonganh.com, cuonganh.vn cũng bị cảnh báo sai quy định của pháp luật, các nội dung quảng cáo về sản phẩm, công dụng sản phẩm không đúng theo nội dung hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Sản phẩm này được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch Vụ Cường Anh Authentic (địa chỉ: Tầng 4, Số 696, Phố Quang Trung, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm. Nhưng cũng như các công ty khác có sản phẩm quảng cáo bị cảnh báo đều sử dụng “bài” chối bỏ các trang web quảng cáo, Công ty Cường Anh Authentic cũng khẳng định các website này không phải là của mình và không chịu trách nhiệm về các sản phẩm quảng trên trang web đó.
Ngoai BossMen, nhung san pham vi pham nao khien Cuc ATTP “bat luc” khi xu ly?-Hinh-2
Quảng cáo Trà Slim Cường Anh bị cảnh báo sai quy định của pháp luật 
Cảnh giác với những sản phẩm trong “danh sách đen”
Trước tình trạng các sai phạm quảng cáo diễn ra nhan nhản trên các website, trang mạng xã hội, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong từng thông tin với báo chí: nhiều doanh nghiệp bị Cục phát hiện quảng cáo TPCN trên trang web này, trạng mạng xã hội kia có vi phạm, trong số hàng trăm quảng cáo sai phạm được phát hiện, mời lên làm việc chỉ một số ít công ty thừa nhận, chịu phạt và gỡ bỏ. Còn lại đa phần khi được mời lên làm việc đều không thừa nhận mình có quảng cáo sản phẩm trên các trang web đó, hoặc chối rằng website, mạng xã hội bị phát hiện sai phạm không phải là của công ty mình...
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, việc doanh nghiệp phủ nhận nội dung quảng cáo khiến các cơ quan quản lý vất vả hơn trong việc xác định, nhưng khi đã xác định sẽ phải xử lý nghiêm.
Bên cạnh các biện pháp xử phạt chính theo đúng quy định pháp luật, hàng tuần Cục đều công khai tên các doanh nghiệp, các sản phẩm, các website quảng cáo TPCN/ TPBVSK không đúng nội dung được cấp phép quảng cáo trên website của Cục ATTP và các phương tiện thông tin báo chí để cảnh báo tới người tiêu dùng. Đặc biệt, với những sản phẩm TPCN/ TPBVSK bị phát hiện có sai phạm về quảng cáo trên một số website, mạng xã hội nhưng doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó không thừa nhận, Cục ATTP sẽ đưa các sản phẩm vi phạm này vào “danh sách đen”.
Cục ATTP cũng phối hợp với Cục Quản lý phát thanh - truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) công khai thông tin các sản phẩm vi phạm cũng như xử lý các trang thông tin điện tử quảng cáo sản phẩm sai phạm để người tiêu dùng biết và thận trọng khi mua các sản phẩm trên các trang thông tin đó. Ðối với các sản phẩm vi phạm bị đưa vào "danh sách đen" sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, bị thanh tra, kiểm tra với tần suất nhiều hơn và khi phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nặng hơn. Ðối với những sản phẩm đã bị rút giấy phép đăng ký nhưng doanh nghiệp vẫn lén lút sản xuất, khi phát hiện đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp thu hồi toàn bộ sản phẩm và xử phạt với khung cao nhất.
Bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Thanh Phong cũng khuyến cáo người tiêu dùng không mua những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không ghi rõ thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên bao bì nhãn mác; không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh"; những sản phẩm mà phần công dụng ghi là chữa bệnh, điều trị, hoặc chữa khỏi dứt điểm, hoặc sản phẩm tốt nhất… đều là những sản phẩm vi phạm.
An Lê

>> xem thêm

Bình luận(0)