Chào chị Minh Hà,
Hôm trước, khi đọc bài viết Nhà tôi CHO KHÔNG con gái khi thông gia không chịu đưa tiền nạp tài của chị, thú thực tôi thấy có chút bất bình nên viết lên đây vài lời chia sẻ.
Vì chị không giới thiệu tuổi nên tôi không biết chị năm nay bao tuổi. Nhưng nghe chị nói có con gái gả chồng thì tôi đoán chị cũng tầm tuổi tôi. Bởi thế, tôi xin phép gọi chị xưng tôi.
Tôi xin tự giới thiệu, tôi năm nay 50 tuổi, có một con trai, một con gái. Thú thực với chị, khi nghe chị nói đến chuyện thách cưới tôi thấy rất lạ. Bản thân tôi cho rằng đây là điều hoàn toàn không nên dù có là tập tục, lề thói ở quê chị đi chăng nữa.
2 năm trước đây, tôi cũng gả chồng cho con gái. Năm đó, tôi đã không hề thách cưới một chút gì. Hồi đó, phía thông gia bên nhà tôi cũng khá chu đáo.
Ngay trong cuộc gặp hôm dạm ngõ, bên thông gia đã ý tứ hỏi phía nhà tôi về các đồ sính lễ cũng như khoản tiền để trong phong bì trong lễ ăn hỏi. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng tôi đều khẳng định ngay không yêu cầu bất cứ khoản gì mà hoàn toàn tùy thuộc vào nhà trai.
Tôi từng nghe nhiều đến chuyện thách cưới, tuy nhiên tôi nghĩ giờ tập tục này không còn phù hợp với thời hiện đại.
Ngày xưa, các cặp vợ chồng thường lấy nhau ở độ tuổi còn trẻ, khi đó phần lớn đôi trẻ lấy nhau là do sự sắp đặt, mai mối của cha mẹ và khoản tiền “thách cưới” được xem như là khoản tiền để “mua” con dâu.
Khoản tiền đó nhà gái dùng để lo trang trải đám cưới. Và sau khi lấy chồng, người con gái coi như là con nhà “người ta”, không còn có trách nhiệm với gia đình bố mẹ đẻ nữa.
Nhưng trong thời đại văn minh này, trai gái thường đã đến tuổi trưởng thành, thường đã có công ăn việc làm, có thu nhập và có trách nhiệm chung với gia đình. Các đôi trẻ cũng đến với nhau hoàn toàn tự nguyện, chứ đâu có chuyện “gả bán” mà sao lại đòi “tiền cưới” được, đúng không chị?
|
Cái tiếng “bố mẹ nó ham tiền” có thể còn đeo bám mãi cuộc sống của những cô dâu trước đây bố mẹ thách cưới. Ảnh minh họa. |
Ngày nay, sau khi lấy nhau, vợ chồng đều có trách nhiệm với cả gia đình hai bên. Ngày lễ Tết, biếu bên nội thế nào thì các gia đình cũng thường biếu bên ngoại như vậy. Mọi thứ đều công bằng như vậy mà khi cưới, bên nhà gái lại bắt bên nhà trai phải đưa tiền thì quả là quá vô lý. Làm như vậy, cuộc hôn nhân chẳng khác gì chuyện “gả bán”, “ngã giá” rồi.
Nhiều người cũng cho rằng quà thách cưới là đánh giá giá trị của người con gái. Tiền thách cưới, quà cưới càng lớn chứng tỏ người con gái đó càng cao giá. Tôi kịch liệt phản đối quan niệm sai lầm này. Bởi đám cưới chỉ hướng đến mục đích duy nhất là hạnh phúc thì tất cả những thủ tục rườm rà khác đều không quan trọng.
Hơn nữa, việc nhà gái thách cưới quá đà, khiến nhà trai phải miễn cưỡng thực hiện thì người khổ sau này chỉ là con gái nhà họ mà thôi. Lúc vui vẻ không sao, cứ khi cơm không lành canh không ngọt, bên nhà chồng rất dễ lại đem chuyện thách cưới năm xưa ra để chì chiết, đay nghiến.
Cái tiếng “bố mẹ nó ham tiền” có thể còn đeo bám mãi cuộc sống của những cô dâu trước đây bố mẹ thách cưới. Thiệt thòi suy cho cùng tôi tin chỉ thuộc về các con gái chúng ta bạn ạ.
Nói đâu xa, ngay trong họ nhà tôi giờ vẫn đang có cô cháu gái hơn 30 vẫn còn ế chồng chỉ vì chuyện bố mẹ thách cưới năm xưa. 5 năm trước, cô cháu này cũng đã đưa bạn trai về ra mắt và chuẩn bị cưới.
Tuy nhiên, đến ngày ăn hỏi, do chị họ tôi đưa ra mức tiền cho lễ ăn hỏi lớn (40 triệu đồng) nên bên phía nhà trai đã rất bất bình. Nhà trai khi đó thì cho rằng đây là mức tiền... trên giời. Và sau khi nói qua nói lại, hai gia đình xảy ra xung đột và đám cưới bị hủy bỏ.
Cũng vì chuyện này mà cô cháu tôi buồn phiền, hàng xóm thì gièm pha và cho đến tận bây giờ cháu tôi vẫn lẻ bóng đơn côi.
Vậy nên theo quan điểm của tôi, chị hãy đừng câu nệ chuyện tiền nạp tài nữa chị ạ. Hãy để cưới xin trở thành ngày vui trọn vẹn của đôi trẻ và gia đình.
Chúc chị và gia đình hạnh phúc!
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình (nguồn Youtube):