Nâng ngực hỏng là gì?
Theo bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch pháp chế Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ TP HCM, ở nước ta, có tới 15% khách hàng sau khi phẫu thuật thẩm mỹ phải mổ lại, trong khi thế giới chỉ khoảng 5%.
Riêng về nâng ngực, GS.TS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn cho hay, đại đa số các trường hợp phải mổ lại là do nâng ngực hỏng, nghĩa là ngực bị biến dạng, chảy xệ không giữ được hình dạng ban đầu và các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe khác.
Triệu chứng thường thấy của việc nâng ngực hỏng là bệnh nhân có thể bị chảy máu trong 24h đầu tiên sau phẫu thuật. Bệnh nhân bị nhiễm trùng (có thể gặp từ ngày thứ 2-6), các dịch tiết chảy ra nhiều, ngực căng, đau nhức hoặc chảy dịch qua đường mổ. Nghiêm trọng hơn là các biến chứng do gây mê. Bệnh nhân có thể bị choáng, sốc phản vệ, thậm chí hôn mê.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng rất hay gặp trường hợp bị lộ túi hoặc có những bất thường vị trí, ngực sau khi làm không cân, túi chạy xê dịch theo vận động của cơ thể do dùng túi trơn,… Nhiều trường hợp còn bị bao xơ xung quanh, gây bóp chẹt, đau đớn, biến dạng ngực. Với biến chứng nhẹ hơn, bệnh nhân sẽ bị sẹo lồi ở đường mổ hoặc mất cảm giác của quầng vú do mổ không đúng cách.
Về điều này, GS Sơn cho hay, nâng ngực đảm bảo sẽ không ảnh hưởng đến cảm giác cũng như chức năng cho con bú của phụ nữ. Ngược lại, nếu phẫu thuật nâng ngực theo đường quầng vú không đúng kỹ thuật sẽ làm tắc tuyến sữa. Lúc này, phụ nữ không thể thực hiện thiên chức làm mẹ.
Theo GS Trần Thiết Sơn, phẫu thuật thẩm mỹ nói chung, nâng ngực nói riêng thất bại do được thực hiện bởi các phẫu thuật viên không có kinh nghiệm, trong những môi trường không đảm bảo và với chất liệu không an toàn. Những trường hợp ngực hỏng phải nhanh chóng đến các bệnh viện uy tín để xử lý, ngăn những tai biến đáng tiếc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tìm đến các bác sĩ để làm lại ngực do không hài lòng với bộ ngực mới của mình. Họ hay bị tác động của những người xung quanh, không có chính kiến.
|
Tuyến vú bị biến dạng với các cục, khối do nâng ngực bằng chất làm đầy. Ảnh: Bác sĩ cung cấp |
Xử lý ngực bị hỏng
Vẫn theo GS Trần Thiết Sơn, khi nâng ngực bị hỏng, biện pháp khắc phục duy nhất là đến các bệnh viện lớn để bác sĩ thực hiện thăm khám, tháo túi ngực cũ.
Với các trường hợp chảy máu, nhiễm trùng, bác sĩ sẽ nhanh chóng lấy các chất nâng ngực khỏi bộ phận này, cầm máu, khử trùng. Nặng nhất, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ toàn bộ phần ngực, tái tạo một bộ phận khác.
Với các vật dụng nâng ngực bằng chất rắn đã ghép vào silicon dẻo, túi gel, việc lấy ra đơn giản hơn. Nhưng với những chất lỏng như silicon lỏng (đã bị cấm dùng) và những chất làm đầy phải thận trọng vì chỉ có thể lấy được một phần, phần còn lại ngấm vào các tổ chức và thường phải chờ chúng tự tiêu, mất ít nhất từ sáu tháng đến hai năm.
Sau khi khắc phục được hậu quả, chị em mới có thể tiến hành làm lại ngực. Song, điều này cũng có những nguyên tắc nhất định. GS Sơn khuyến cáo: “Việc thực hiện lại ca mổ để lấy dụng cụ mới đặt vào chỉ nên thực hiện sau ít nhất ba tháng. Khi các mô còn viêm, vết thương còn sưng, tuyệt đối không làm lại ngực. Lúc này, các phẫu thuật viên rất khó dự tính chính xác kích cỡ của khung ngực mới, dễ dẫn tới việc bị co rút, nguy cơ nhiễm trùng cũng rất cao”.
Riêng về các phương pháp nâng ngực hiện nay, bác sĩ khuyến cáo chị em nên tư vấn người có chuyên môn và tìm ra phương pháp phù hợp với mình. Mỗi người phù hợp với một phương pháp riêng, không có chỉ định chung cho tất cả mọi người.