Lúc trước, khi em chuẩn bị lấy chồng, ai cũng bảo cưới xong thì đừng mơ mà quan tâm bố mẹ được. Vì khi đó mình đi làm dâu rồi, chồng và nhà chồng chẳng bao giờ thích vợ mang tiền về ngoại đâu.
Hồi đó em lại nghĩ đơn giản, cho rằng nội ngoại như nhau. Bây giờ là thời buổi nào rồi, còn ai xét nét những vấn đề ấy nữa. Thế nhưng cưới về mới biết, chồng em là chúa ki bo.
Bố mẹ em đều làm nông, thành ra khi gả con gái đi lấy chồng, ông bà cũng phải vay chỗ nọ, mượn chỗ kia để tổ chức cho hoành tráng. Làm sao để người ta nhìn vào cũng thấy xứng với con rể là trai thành phố. Cưới xong, em đếm vàng được hơn 4 cây nên mới quay sang bảo chồng:
“Vàng này thì mình chưa dùng đến, mà bố mẹ em ở quê lại vay mượn cho chúng mình tổ chức đám cưới nữa. Hay là em đưa 1 cây cho mẹ để bà mang đi bán. Đỡ được khoản nào hay khoản ấy, anh tính sao?”.
Vừa nghe đến đó, chồng em đã quắc mắt lườm, các chị ạ. Anh tỏ ra ngạc nhiên lắm: “Em nói nghe buồn cười thế. Con cái cả đời mới có một lần cưới. Thế mà bố mẹ cũng đi lấy tiền thì ai coi ra gì nữa? Anh không đồng ý đâu. Ông bà đẻ em ra thì phải có trách nhiệm chứ”.
Vì mới cưới nên em cũng không muốn làm to chuyện. Nhưng sau hôm ấy, em mới thấy chồng mình là người ích kỷ.
Bài chia sẻ (Ảnh chụp màn hình)
Sợ em sẽ mang vàng về bên ngoại nên cứ thi thoảng là anh lại mở két ra đếm vàng. Hỏi thì chồng em tỉnh bơ đáp: “Đếm xem vàng nó có chân mà chạy về nhà ngoại không. Chứ để lâu có khi bốc hơi hết cũng nên”.
Biết tính chồng nên những lần sau, em mà cho bố mẹ tiền thì chẳng bao giờ nói câu nào. Chỉ là thi thoảng mẹ lên chơi, em sẽ đưa bà vài đồng gọi là đi đường.
Bữa đó mẹ ra đến cổng cũng đúng lúc chồng em về. Thấy vợ đưa tiền cho mẹ, anh không bảo gì mà đi thẳng lên phòng. Tưởng chồng mệt, em còn vắt cho cốc nước cam mang lên. Thế mà không được lời cảm ơn, em còn bị xỉa xói:
“Làm việc gì khuất tất mà nay lại tốt với chồng đột xuất thế? Bảo sao mà mẹ em cứ nửa tháng lại lên chơi một lần. Thì ra là lần nào đi về cũng có tiền dắt túi. Đúng là mọi sự quan tâm đều có mục đích”.
Các chị thấy chồng em nói vậy có vô lý không? Thế là chẳng nhịn nữa, em cũng đáp trả luôn:
“Anh nói vậy mà nghe được. Em cho bà vài trăm đi đường thì có gì sai? Lát anh xuống mà mở cái tủ lạnh xem mẹ mang những gì lên, nào thịt nào cá, nếu quy ra tiền thì cũng cả triệu chứ chẳng ít đâu”.
Vậy mà chồng em vẫn bảo thủ lắm. Còn bảo cá thì ao ở nhà nuôi được nên không tính mới bực. Đấy, chỉ những câu chuyện thường ngày đã thấy chồng em là người vụn vặt.
Năm ngoái, hai đứa còn cãi nhau ỏm tỏi vì chuyện biếu nội, biếu ngoại.
Quan điểm của em thì rõ ràng lắm, cứ nội như nào thì ngoại thế ấy. Vậy mà chồng em không chịu đâu. Kêu là phải có sự ưu tiên cho gia đình anh. Biếu bên đó 10 triệu thì nhà em chỉ 2 triệu thôi.
Nói mãi chẳng ăn thua, cuối cùng em phải giả vờ đồng ý rồi rút tiền túi bù vào cho bố mẹ đấy, nghĩ mà thương.
Hôm bữa rồi em về quê, thấy ăn xong mà bố mẹ đã lên giường ngủ. Hỏi mới biết cái tivi cũ hỏng rồi, bán đồng nát được có vài trăm nên ông bà chưa mua cái tivi mới. Vì thế em quyết định sắm cho ông bà loại 49 inch, mua ở trung tâm điện máy hết 7 triệu. Tính ra là rẻ chứ có đắt đâu.
Em cũng thật thà, quên không bảo bố mẹ đừng nói là con gái mua. Tối qua hai vợ chồng em sang ăn cơm. Chồng em thấy tivi mới nên khen:
“Ông bà mới sắm cái này ạ? Mua hết bao nhiêu đây bố, loại này xem thì tha hồ sướng”.
Bố em gật gù: “Thì vợ anh mua chứ ai, cái cũ hỏng nên nó đổi cái này. Công nhận từ ngày có cái tivi mới, xem được bao nhiêu chương trình hay”.
Từ lúc đó, mặt chồng em bắt đầu biến sắc các chị ạ. Trên đường đi về, anh cứ gặng hỏi mua cái tivi hết bao nhiêu. Sau khi biết giá tiền, chồng em dừng ngay xe lại rồi hỏi:
“Em thừa tiền à? Mai kêu người đến trả lại ngay. Nhà còn bao việc, thế mà dám bỏ 7 triệu mua cái tivi. Mà bố mẹ già rồi, xem nhiều hỏng mắt. Để mai anh bảo”.
Bây giờ chồng em mà sang nhà bố mẹ vợ đòi gỡ tivi thì em xấu hổ không đâu kể hết. Nằm mơ em cũng không nghĩ việc mình mua cho bố mẹ một cái tivi cũng thành chuyện lớn.