Móng có các phần chính: Bản móng (phần ngoài, có thể nhìn thấy được); giường móng (phần mô mềm nằm dưới bản móng) và mầm móng (phần “rễ”, tập trung các mạch máu, nâng đỡ và phát triển móng).
Bình thường bản móng có màu hồng do giường móng chứa nhiều mạch máu nhỏ nuôi dưỡng. Do một số nguyên nhân, móng có thể ngả vàng, xanh, có nhiều đốm đen, đốm hoặc sọc trắng...
Móng trắng là thuật ngữ mô tả một hoặc nhiều móng tay, móng chân có màu trắng một phần hoặc toàn bộ móng. ThS.BS Huỳnh Bạch Cúc, đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết có nhiều loại móng trắng, như móng trắng hoàn toàn; móng terry (là bản móng màu trắng với phần đầu móng màu đỏ hoặc nâu); hoặc móng trắng một phần.
Móng trắng một phần gồm 3 nhóm: dạng điểm (hạt gạo), dạng dải dọc và dạng dải ngang. Trong đó, đốm trắng là loại phổ biến nhất còn dải dọc hiếm gặp hơn.
3 loại móng trắng một phần.
Chấn thương (cắn móng tay, chấn thương thực thể, làm móng hay mang giày chật) là nguyên nhân thường gặp khiến móng trắng.
Cắn móng tay là nguyên nhân hay gặp nhất làm xuất hiện các đốm trắng (hạt gạo) trên móng. Các đốm này sẽ biến mất sau khoảng 8 tháng, đó là khoảng thời gian cần thiết để móng mọc lại hoàn toàn, hình dạng và số lượng đốm có thể thay đổi khi móng phát triển.
Với hiện tượng móng tay xuất hiện dải ngang, các bác sĩ ở Trung tâm Da liễu (thuộc Sở Y tế Hải Phòng) nhận định nguyên nhân chính là những chấn thương thực thể như cắn hoặc gõ móng tay quá nhiều, chấn thương do tai nạn và sử dụng nhiều công cụ làm móng. Với móng chân, những chấn thương do giày dép chật cũng gây nên hiện tượng móng có sọc ngang trắng.
Ngoài ra, tình trạng này có thể do nhiễm độc kim loại nặng, phổ biến nhất là chì, arsenic. Xơ gan, hóa trị hay các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gây sốt cao như sởi, sốt rét, herpes zoster; vảy nến móng, chàm tay và bệnh phong cũng có thể gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân không có nguyên nhân rõ ràng và thường tự phát.
Theo bác sĩ Cúc, nếu gặp chấn thương nghiêm trọng, bản móng bị tách khỏi giường móng và thay đổi cấu trúc móng, có thể khiến móng đổi trắng toàn bộ. Tình trạng móng trắng toàn bộ thường gặp ở những người cùng gia đình (di truyền).
Móng trắng toàn bộ thường do di truyền. Ảnh: BVCC
Bệnh có thể là một dấu hiệu lâm sàng của giảm albumin máu, thường gặp trong hội chứng thận hư suy gan, kém hấp thu protein. Tình trạng này có thể do di truyền hoặc tác dụng phụ thuốc kháng sinh. Nếu chỉ một móng bị trắng toàn bộ, có thể do chấn thương.
Theo bác sĩ Cúc, nếu bản móng đổi màu trắng nhưng phần đầu móng màu đỏ hoặc nâu (móng Terry), có thể liên quan đến các bệnh hệ thống như xơ gan; thận mạn; suy tim; bất thường hấp thu protein (như trong viêm đại tràng); bệnh mất protein qua đường ruột; đái tháo đường; thiếu máu thiếu sắt; thiếu kẽm; cường giáp; nhiễm khuẩn.
Đặc biệt, móng trắng còn do bị nhiễm nấm. Nấm móng chiếm 50% rối loạn về móng. Người mắc đái tháo đường, bệnh động mạch ngoại vi, suy giảm miễn dịch, chấn thương, mang giày dép chật hay chân luôn trong môi trường ẩm ướt... có nguy cơ bị bệnh.
Mảng màu trắng đục hay vàng xuất hiện ở cạnh bên của móng bị nhiễm nấm. Ảnh: BVCC
Khi bị nhiễm nấm, móng có thể chuyển màu đục, trắng, mủn dần. Nếu nhiễm nấm Candida, móng có màu vàng cam, nâu.
Móng trắng do chấn thương hoặc thuốc có thể khỏi sau vài tháng khi mọc ra hoàn toàn. Bác sĩ khuyên người dân nên đi khám nếu các đốm trắng tồn tại dai dẳng, tái phát hoặc xuất hiện trên hầu hết các móng. Đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh nhiễm trùng do virus hoặc nấm, các vấn đề mạn tính liên quan đến gan, thận, tim…
Nếu nguyên nhân gây móng trắng chưa rõ, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm như cắt bản móng tìm vi nấm; sinh thiết móng; xét nghiệm máu, đặc biệt là nồng độ albumin.