Ăn trước khi uống
Thạc sĩ Vũ Quốc Trung, lương y đa khoa (Hội Đông y Hà Nội), cho biết để uống rượu ít tác hại nhất, chúng ta nên uống trong bữa ăn và sau khi sử dụng các thực phẩm khác. Ăn trước khi uống sẽ có tác dụng phân giải một phần lượng cồn trong rượu, bảo vệ gan, dạ dày,... tránh bị ngộ độc khi uống rượu. Tuyệt đối không uống lúc quá đói sẽ khiến men trong rượu ngấm vào thành dạ dày và thành ruột nhanh hơn, dễ gây viêm loét dạ dày, viêm ruột…
Chuyên gia hướng dẫn để đề phòng say rượu, trước khi uống nên tráng ruột bằng một cốc sữa, ăn trái cây, hoặc một muỗng canh dầu ôliu. Bạn cũng có thể uống hai viên B6 50 mg, một viên B1 100 mg.
Bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho biết để giảm thiểu nguy cơ say rượu, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch nước uống, tức tương đương với 3/4 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), 1 cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Uống chậm
Bạn nên kiểm soát lượng rượu vào cơ thể bằng cách uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, xen kẽ cùng nước lọc. Rượu lợi tiểu, nên nó khiến cơ thể mất nước nhanh chóng, đây là nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu như khát nước, chóng mặt và nhức đầu. Do đó, trong quá trình uống rượu, chúng ta nên dùng thêm nước để làm chậm tốc độ tiêu thụ rượu, đồng thời hạn chế tác hại của rượu.
Uống chậm cũng là bí quyết để giúp bạn lâu say hơn. Cơ thể con người chỉ có thể tiêu hóa được khoảng 300 ml lượng cồn trong một giờ. Uống nhanh sẽ kích thích lượng rượu lớn vào cơ thể trong thời gian ngắn, gây tác động mạnh tới não bộ, khiến bạn no bụng, khó chịu, buồn nôn... Do vậy, bạn nên uống rượu từ từ để hạn chế cơn say hiệu quả.
Ngoài ra, vừa uống vừa ăn cũng là cách hiệu quả để giúp lâu say và giảm tác hại của rượu. Khi đó, người uống tập trung chú ý vào thức ăn và giảm lượng rượu tiêu thụ. Bạn nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa sẽ giúp bảo vệ gan, hạn chế tác hại của cồn tới hoạt động của gan, dạ dày.
Bác sĩ Bảo lưu ý thêm một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại và lâu say hơn so với rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).