Say rượu bia là hiện tượng khó tránh khỏi khi cơ thể phải dung nạp quá nhiều lượng thức uống này, gây hậu quả không tốt cho sức khỏe. Điều cần nhớ đầu tiên là tiết chế lượng rượu bia dung nạp vào cơ thể. Bên cạnh đó, y học cổ truyền có một số cách giải rượu giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu khi say.
Giải rượu bằng y học cổ truyền
Quýt: Ăn một vài trái quýt hoặc ép lấy nước uống sẽ giúp thanh nhiệt, giải độc, giải bia rượu, giảm say.
Dưa hấu: Ăn dưa hấu hoặc xay vỏ quả dưa hấu lấy nước uống.
Vỏ quýt phơi khô: Dùng 30g vỏ quýt phơi khô, sao thơm tán vụn và 2 quả mơ chua bỏ hạt, thái vụn, sau đó lấy cả 2 vị đem sắc nhỏ lửa với 360ml nước. Sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước để uống, có thể cho thêm một chút nước gừng tươi hoặc trà.
Lá dong: Lấy một nắm lá dong (khoảng 100g-200g) rửa sạch để ráo nước, đem giã và vắt lấy nước cốt. Uống nước cốt này, cơn say sẽ tan trong 20 phút.
Say rượu là tình trạng khó tránh khỏi sau các bữa tiệc tất niên. Ảnh minh họa: Shutterstock
Hoa sắn dây tươi: Rửa sạch 30g-50g hoa sắn dây tươi, giã nát, thêm 50ml nước đã đun sôi quấy đều, ép vắt lấy nước uống 1-2 cốc (100ml-150ml).
Rau má: Sử dụng 100g rau má tươi, 2 trái chanh, 1g muối ăn. Sau đó, rửa sạch rau má, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh, trộn đều thêm muối, uống 1-2 cốc (150-300ml). Cách thứ 2: Rửa sạch rau má, giã nhỏ rồi ép lấy nước cốt, hoà thêm nước sôi để nguội, uống 2-3 cốc (200-300ml).
Củ địa liền tươi: Rửa sạch, giã nhỏ ép lấy 100ml nước, uống một lần.
Lá cây kiến cò tươi (bạch hạc): Lấy khoảng 50g lá này, rửa sạch, giã nhỏ, hoà vào 200ml nước sôi để nguội quấy đều, gạn lấy nước trong uống.
Rễ cỏ tranh tươi: Lấy 100g rễ này, rửa sạch, giã nhuyễn, thêm 100ml nước sôi để nguội quấy đều, ép lấy nước, pha thêm 10-15g đường để uống.
Một số lưu ý khi uống rượu để tránh các nguy cơ về sức khỏe:
Uống rượu từ từ, chậm rãi để giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời có thời gian để gan kịp oxy hóa.
Người đang dùng aspirin không nên uống rượu bởi có thể gây chảy máu dạ dày khi đói, nồng độ cồn trong máu sẽ tăng nhanh.
Không sử dụng đồng thời cả rượu và cafein, nên ăn thêm rau xanh để làm loãng nồng độ cồn trong rượu, uống nước lọc trước khi uống rượu. Ngoài ra, đồ ăn có nhiều protein sẽ làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Khi uống rượu, nếu người thân/quen/bạn bè gặp phải các dấu hiệu khó thở, rối loạn nhịp thở, da, niêm mạc nhợt nhạt, tím, rối loạn nhịp tim, lơ mơ, hôn mê, gọi hỏi không trả lời đúng, co giật, động kinh, nôn mửa nhiều lần... cần phải đưa họ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Khi có các di chứng say rượu, cần uống nhiều nước và ngủ đủ giấc vì rượu khiến cơ thể tăng bài tiết nước tiểu, gây mất nước, mệt mỏi.
Người uống rượu bia cần ăn uống đầy đủ, đề phòng việc rượu khiến lượng đường trong máu giảm. Đồng thời, lớp thức ăn lót dạ dày giúp bảo vệ niêm mạc, tránh kích ứng và giảm tốc độ hấp thu rượu vào cơ thể.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
Trưởng Đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cơ sở 3