Người Quảng Đông, Trung Quốc rất thích quýt và xem nó như một điềm lành. Những miếng vỏ quýt khô trở thành một thứ nuôi dưỡng tinh thần cho người dân nơi đây.
Nó không chỉ là một loại gia vị truyền thống trong ẩm thực mà còn là một loại thảo dược quý trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Thông thường, vỏ quýt phải để trên 3 năm mới được xem là tốt nhất. Lúc này, vỏ quýt sẽ có mùi thơm đậm, giá trị dược liệu hay hương vị đều đạt tới ngưỡng cao nhất. Càng để lâu thì vỏ quýt càng có giá trị.
Vỏ quýt có công dụng điều hòa khí huyết, tiêu ẩm, tan đờm, chống táo bón… Ở Quảng Đông, người ta xem 3 thứ này là báu vật: Vỏ quýt, gừng già và rơm. Trong đó, vỏ quýt được coi trọng nhất, thường được dùng để chiên, hầm, xào trong ẩm thực.
Cách nhận biết vỏ quýt chất lượng cao
- Kết cấu
Vỏ quýt phơi ngắn ngày thường vỏ mềm do còn chứa nhiều đường fructose, nước. Trong khi đó, vỏ quýt phơi khô càng để lâu thì càng cứng, giòn, dễ vỡ khi bóp, bề mặt khô ráo, không có hơi ẩm.
- Màu sắc
Bề mặt bên trong vỏ quýt phơi chưa đủ lâu có màu trắng, hơi ngả vàng một chút, bên ngoài màu đỏ sẫm. Ngược lại, bên trong vỏ quýt phơi lâu thường có màu hơi nâu, bên ngoài màu rám nắng hoặc đen.
Nếu vỏ quýt có màu hơi nâu vàng, quá sáng thì chất lượng không cao.
- Mùi
Vỏ quýt phơi khô có mùi thơm nhẹ hoặc mùi rượu. Nếu vỏ quýt khô 3 - 8 năm sẽ có mùi thơm hắc, vị chua chua ngọt ngọt. Vỏ quýt khô 9 - 20 năm có mùi thơm, vị thanh mát, không chua.
Vỏ quýt khô 20 - 40 năm có mùi êm dịu. Vỏ quýt khô trên 50 năm lại càng quý, mùi thơm của nó rất đặc biệt.
Cách ăn vỏ quýt
- Pha trà
Cho vỏ quýt khô vào ấm trà, thêm nước, nấu sôi trong 3 phút thì tắt bếp, có thể thêm trà vào nấu cùng.
- Vịt om vỏ quýt
Nguyên liệu: 1 con vịt, vỏ quýt khô, gia vị.
Vịt rửa sạch, chặt miếng nhỏ, chần qua với nước nóng rồi vớt ra. Tiếp tục thêm nước, vỏ quýt khô, nước tương cùng một số nguyên liệu vào với vịt, đảo đều, om đến khi vịt chín nhừ thì vớt ra, cắt miếng vừa ăn, bày lên đĩa, rưới nước sốt lên.