Chú Ti Vi thân mến,
Chúng cháu yêu nhau được chín tháng và đang rất vui thì có chuyện như sau:
Chú cũng biết là mùa đông rét, trẻ con ốm nhiều. Cháu đến chơi thấy đứa cháu ba tuổi (gọi người yêu cháu bằng cậu) cứ ít hôm lại sổ mũi, ho, phải đi khám. Cháu bèn mua hai hộp cốm hô hấp đưa mẹ bé (là chị gái người yêu cháu). Cho bé uống thấy tốt nên cả nhà đều cảm ơn. Cháu rất vui.
Nhưng cách đây hơn một tuần, chị ấy bảo: “Thảo ơi (tên cháu là Thảo), hết thuốc rồi, em mua cho bé hai hộp nữa nhé”. Chị ấy không nói là mua hộ hay xin nên cháu hơi bối rối, vì thứ này cũng tương đối mắc, khoảng trăm rưỡi một hộp. Cháu cũng không khá giả gì, lương phải gửi cho bố mẹ một phần, còn lại co kéo sống trên này.
|
Ảnh minh họa. |
Cháu nghĩ mãi bèn bảo người yêu chở cháu đi mua, xem anh ấy nói sao. Chú biết không: anh ấy chở cháu đến hàng thuốc, để cháu vào mua, chở cháu về nhà đưa cho chị gái anh ấy. Chị ấy cảm ơn nhưng không hỏi bao nhiêu tiền để gửi lại. Những ngày sau chẳng ai nói chuyện gửi tiền mua thuốc với cháu, cháu có nói xa nói gần anh ấy cũng chẳng “sực nhớ ra”.
Chú Ti Vi ơi, cháu có phải là người bần tiện không? Tính ra trăm rưỡi một hộp thì cháu chỉ mất có ba trăm, nhưng hiện cháu thấy tình cảm của cháu với người yêu tự nhiên mất 90%. Cách đây một tuần, cháu còn tưởng không thể nào sống mà không có anh ấy; nói dại nếu mất anh ấy chắc cháu tự tử luôn.
Anh ấy là người hoàn hảo đối với cháu. Cháu vẫn nghĩ chúng cháu sinh ra là dành cho nhau. Thế mà nay cháu thấy gợn quá, những tin nhắn ngọt ngào cháu không thấy ngọt nữa. Mà chỉ vì ba trăm ngàn đồng thôi sao chú? Trong khi cháu đâu phải hạng người keo kiệt.
Chú ơi thế nghĩa là sao? Cháu phải làm sao? Nếu chị gái anh ấy lại bảo cháu mua nữa thì cháu phải nói thế nào? Tình yêu thực ra không phải là vô giá phải không chú?
Chú đọc xong thư của cháu mà dựng tóc gáy, tự hỏi từ trước đến nay mình đã phạm phải sai lầm như người yêu cháu bao nhiêu lần rồi? Ý chú là, não nam giới rất khác với phụ nữ. Có những việc nam giới coi là hết sức quan trọng (như Ronaldo đá hỏng phạt đền) thì phụ nữ coi là nhảm nhí. Ngược lại có những việc phụ nữ thấy rất nghiêm trọng (mãi chín giờ anh ấy mới nhắn tin) thì nam giới lại không thể hiểu nổi sao nó nghiêm trọng.
Chú nghĩ là cháu đã “bé xé ra to”:
1. Câu chuyện mới diễn ra LẦN ĐẦU, chưa thể kết luận là “có tính hệ thống”. Và phàm cái gì “chưa có tính hệ thống” thì cần phải theo dõi thêm, có thể lần thứ hai, thứ ba mới kết luận được.
2. Câu chuyện cũng mới diễn ra có MỘT TUẦN. Thời gian ấy là quá ngắn. Rất có thể chị gái người yêu cháu tưởng cậu em mình đã trả tiền cho cháu. Thế thì ta nên đợi cho đủ một, hai tháng, rồi thể nào chị em họ cũng phát hiện nhầm lẫn này.
3. Chú có nói là chú “lạnh tóc gáy” khi đọc thư, vì quả thực nếu chú thấy chị gái mình gọi người yêu mình ra nhờ mua cái này cái kia thì chú sẽ KHÔNG ĐỂ Ý LẮM khâu thanh toán giữa hai người đâu. Đầu chú sẽ mặc định “chị mình nhờ mua ắt đã đưa tiền”. Và nếu người yêu chú không phàn nàn gì thì chú tin là hiện không có gì để phàn nàn. Đấy, đàn ông thiếu sâu sát thế đấy. Họ còn mải nghĩ thứ khác mà theo họ là to tát hơn.
Tuy nhiên chú thấy trong vụ này có lỗi ngại ngần của Thảo. Đúng ra khi mua thuốc về, Thảo nên dõng dạc nói: “Ba trăm ngàn chị nhé!”. Chị ấy hoặc sẽ rút ví hoàn lại ngay cho cháu, hoặc lơ đi trắng trợn, chứ không phải mù mờ như hiện nay, làm cháu phải đoán già đoán non, quy kết về tính cách mọi người, rồi chuyện yêu đang vui thành u ám.
Chú không nghĩ Thảo “keo kiệt” đâu, nhưng phụ nữ vốn có thói bé xé ra to, cái gì cũng “khái quát hóa“. Nhờ mua mà chậm đưa tiền sẽ bị quy là “cố tình quỵt”. Một tuần chưa trả tiền sẽ bị tin là “vĩnh viễn không trả”. Và nhờ mua mới một lần sẽ bị đề phòng là “luôn luôn lợi dụng”… Bi kịch của phụ nữ thường là do không biết đợi cho đầy đủ dữ kiện, ngay lập tức đã nhảy xổ đến ly thuốc độc “quy chụp” và uống luôn khiến mọi việc thành đen tối.
Thế nhé, theo chú là nhầm lẫn tí thôi. Cũng có thể họ biết là chưa trả, nhưng định sẽ tặng lại cháu một món quà tương xứng. Nếu thế thì ngớ ngẩn quá nhỉ, vì ai mà chẳng biết, tiền đi sau là tiền dại, và thường là rất oan.