Theo Bangkok Post, cô Pimpakarn Khotphakdi, 27 tuổi, ở tỉnh Surat Thani, Thái Lan, mới đây cho biết, con gái 7 tuổi tên Nong Pirada của cô mắc phải căn bệnh lạ lùng.
Các bộ phận khác nhau trên cơ thể cô bé Nong Pirada thường chảy máu không thể giải thích được dù không có bất cứ vết thương nào. Đi khám nhiều nơi vẫn không được cải thiện.
Theo người mẹ, bé Nong Pirada mắc phải hiện tượng này sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào đầu tháng 4 vừa qua. Kể từ lúc đó, da của cô bé bắt đầu xuất hiện những vết bầm tím và đỏ tía, sau đó chảy rất nhiều máu.
Mới đầu, gia đình tưởng em bị ngã, rách, đứt da nhưng sau khi lau sạch máu, mọi người phát hiện ra rằng làn da của Nong Pirada không có bất cứ vết cắt hay vết đâm nào.
|
Cô bé Nong Pirada chảy máu nhiều nơi mỗi khi căng thẳng, sợ hãi. |
Gia đình vội đưa Nong Pirada đi khám, tuy nhiên, do khi đến bệnh viện bé lại không chảy máu nên bác sĩ chỉ kê vitamin C rồi cho về nhà.
Bất ngờ, vào nửa đêm 8/4, mũi, mắt, tai và các bộ phận khác trên cơ thể của bé Nong Pirada bắt đầu rỉ máu. Quá hoảng sợ, cô Pimpakarn Khotphakdi đã đưa con gái đến bệnh viện Surat Thani để kiểm tra kỹ lưỡng.
Xét nghiệm máu của bé Nong Pirada cho kết quả bình thường, sau khi phân tích các triệu chứng, các bác sĩ tin rằng cô bé có thể đã mắc chứng "Hematohidrosis". Nói chung, những bệnh nhân mắc triệu chứng này thường cảm thấy căng thẳng hoặc sợ hãi về tinh thần. Mỗi lần như vậy, máu lại chảy ra do vỡ mạch máu nhỏ, tiết qua đường mồ hôi.
"Hematohidrosis" sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, nhưng nó có thể gây hoảng sợ và lo lắng. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giao tiếp xã hội. Đối với trường hợp của bé gái này, một chuyên gia khác đã sắp xếp cho bé tái khám và điều trị vào cuối tháng 5.
Về việc bé gái bị chảy máu có liên quan đến việc tiêm vắc xin hay không thì vẫn cần phải kiểm tra thêm để làm rõ.