Khoai lang tím thuộc loài thân thảo, dạng dây leo sống lâu năm, có lá mọc so le hình trái tim hay xẻ thùy chân vịt. Củ hình thuôn dài, lớp vỏ nhẵn nhụi có màu tím (cũng có màu khác là đen, nâu, trắng hay vàng) và hàng trăm loài khác nhau.
Tùy theo giống khoai mà củ của nó có kích thước, độ ngọt và mùi thơm khác nhau. Khoai lang tím giống Nhật Bản được trồng nhiều ở các huyện Tam Bình, Bình Tân... tỉnh Vĩnh Long.
Tuy nhiên, các tín đồ thường chỉ thích màu của khoai lang tím và không thích ăn vì nhạt hơn giống khoai vàng.
Chị Thu Hường (Tam Trinh, Hà Nội) cho biết trong các loại khoai lang chị thích khoai lang Nhật vàng hơn vì ngọt đậm, chắc khoai. Khoai lang tím vị nhạt, nát thường chỉ dùng nấu hoặc làm màu thực phẩm.
Không riêng gì chị Hường, nhiều người có chung cảm nhận thích khoai lòng vàng hơn khoai lang lòng tím. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng lại cho biết khoai lang tím có rất nhiều tác dụng bất ngờ.
TS Nguyễn Việt Hoàng, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội, cho biết khoai lang tím được cho là loại bình dân nhưng có nhiều giá trị tuyệt vời.
100 g khoai lang tím có nước (củ tươi) 68 g, khô 11 g, lipid tươi 0,2 g, khô 0,5 g, glucide tươi 4 g, khô 0 g, tinh bột tươi 24,5 g, chất xơ tươi 1,3 g, khô 3,6 g.
Khoáng chất Ca tươi 34 mg, Phosphor tươi 49,4 mg. Vitamine tiền sinh tố A (Caroten) 0,3 mg, B1 tươi 0,05 mg. B2 tươi 0,05 mg. PP tươi 0,6 mg. C tươi 23 mg. Các acid amin như Arginin 2,9; Methionin 1,7; Histidin 1,4; Threonin 3,8; Lysine 1,3; Leucin 4,8; Trytophan 1,8; Isoleucin 3,6; Phenylalanin 4,33; Valin 5,6.
|
Khoai lang tím được cho là loại bình dân nhưng có nhiều giá trị tuyệt vời.
|
Các nhà khoa học thuộc Đại học Scranton (Mỹ) cho biết tác dụng của khoai lang tím đối với huyết áp tuy nhỏ nhưng lại đủ để giảm nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.
Theo hãng tin New Kerala, đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của việc ăn khoai lang tím đối với huyết áp ở người. Theo đó, những người tham gia đều mắc chứng tăng cân và cao huyết áp, cùng nhóm người khác không ăn khoai để đối chứng. Kết quả, nhóm ăn khoai lang tím có chỉ số huyết áp, kể cả cực đại lẫn cực tiểu đều giảm.
BS CKI Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, cho biết khoai lang tím giàu Beta-carotene, Vitamin B1, Vitamin C, Ca, Mg, chứa nhiều chất chống oxy hóa. Vỏ khoai chứa nhiều Anthocyanin là chất đặc trưng với nhiều tác dụng có lợi như ngừa ung thư, ngăn chặn tích tụ các độc tố bất lợi, chống lão hóa, tăng lượng máu lên não, tốt cho hệ thần kinh trung ương, giúp cải thiện trí nhớ và ngăn ngừa đãng trí.
Ăn khoai lang 2 lần/tuần sẽ giúp da mềm mại vì có chứa nhiều sinh tố có lợi, chất khoáng, chất xơ hoặc bạn có thể ghiền khoai lang nhuyễn, trộn với sữa chua đắp lên da.
Khoai lang tím chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng cao, có ít chất béo, đường mỡ nên rất có lợi cho nhóm người mắc bệnh tiểu đường. Cách tốt nhất là ăn vào bữa trưa, khoảng 100 g là có lợi nhất đối với hệ thống tiêu hóa, tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.
Theo BS Thủy, ăn khoai lang tím thay vì khoai lang vàng hoặc trắng, mặc dù lượng tinh bột làm tăng đường trong máu nhưng mức tăng vẫn thấp hơn so với tinh bột trong các loại trên.
Khi chế biến khoai lang tím, bạn có thể ăn khoai luộc, chiên hoặc làm sinh tố (xay khoai lang tím đã hấp chín với sữa tươi hoặc sữa chua). Tuy nhiên, bạn nên hạn chế các món chiên rán vì dùng dầu nhiều không tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, bác sĩ Thủy lưu ý không nên ăn quá nhiều vì khi đó dễ khiến đường tiêu hóa sản sinh một lượng lớn Carbon dioxide (CO2), gây đầy hơi và ợ hơi.
Bạn cũng hạn chế ăn quá nhiều khi đói hoặc chỉ ăn mỗi khoai lang và không nên dùng vào buổi tối. Khoai lang dễ kích thích bài tiết axit dạ dày, dẫn đến cảm giác khó chịu ở bụng, có thể gây trào ngược axit, đặc biệt là những người dạ dày yếu hoặc người già tiêu hóa kém. Chúng có thể gây ra hiện tượng đầy bụng, cộng với việc ban đêm, sự trao đổi chất thấp nên càng khó tiêu hóa dễ dẫn đến mất ngủ.