Nhân Ngày Tim mạch thế giới 29/9, Hiệp hội Tim mạch Israel đã công bố tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân do mắc các bệnh tim mạch ở quốc gia này giảm 50% trong vòng 15 năm qua, đưa Israel trở thành một trong những quốc gia đi đầu về phát hiện, ngăn ngừa và điều trị các bệnh về tim mạch.
|
Người dân tại thành phố Sao Paulo, Brazil. (Nguồn: AFP/TTXVN). |
Theo phóng viên TTXVN tại Israel, các cơn đau tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước này trong khoảng thời gian từ năm 2000-2016.
Đây là kết quả nghiên cứu tổng quát của Hiệp hội Tim mạch Israel trên tổng số bệnh nhân tim đã được hơn 850 các bác sỹ tim mạch tiến hành can thiệp tại 23 bệnh viện trên cả nước.
Nghiên cứu cũng cho thấy có khoảng 25.000 trường hợp nhồi máu cơ tim xảy ra hàng năm ở Israel và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong sau ung thư.
Mặc dù có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim, nhưng Israel là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể giảm tỷ lệ tử vong xuống mức được coi là không còn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nữa do nhờ vào các phương pháp chăm sóc bệnh nhân tim mạch tiên tiến và hiện đại.
Năm 2000, có khoảng 20% bệnh nhân tại Israel đã tử vong trong vòng một tháng sau khi phải chịu đựng các cơn nhồi máu cơ tim, và con số này đã giảm xuống còn 7,5% năm 2016.
Tỷ lệ nữ mắc các bệnh về tim giảm nhẹ (21%), trong khi tỷ lệ ở nam bệnh nhân lại tăng (79%). Độ tuổi trung bình của bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim lần đầu ở nam giới là 64 và nữ giới là 74.
Theo nghiên cứu, có đến 60% bệnh nhân mắc bệnh tim nặng sẽ chết trong vòng 10 năm do các tác dụng phụ của các loại thuốc, cộng với việc hút thuốc lá hay lối sống không lành mạnh.
Việc phát hiện sớm các triệu chứng và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện là yếu tố sống còn đối với bệnh nhân khi bị nhồi máu cơ tim. Khoảng một nửa trong số những bệnh nhân mắc bệnh tim không chịu đến bệnh viện dù phải chịu những cơn đau tim thường xuyên ở nhà và họ có thể tử vong chỉ trong vòng vài phút đồng hồ./.