Đái tháo đường (bệnh tiểu đường) là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein khi hormone insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao.
Bệnh có liên quan chặt chẽ với các yếu tố như thừa cân, béo phì, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều đường, chất béo, thức ăn nhanh, lối sống thụ động, ít tập thể thao hay thức khuya, ăn khuya.
|
Ảnh minh họa. |
Đái tháo đường được xem là một trong 4 đại dịch của thế kỷ vì những biến chứng của nó. Số ca tử vong do căn bệnh này cao gấp 3-4 lần so với HIV/AIDS và bệnh lao. Tuy vậy, 70% số trường hợp mắc đái tháo đường có thể phòng tránh được, hoặc làm chậm các triệu chứng bệnh nếu phát hiện kịp thời.
Thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường cho thấy người châu Á có tỷ lệ mắc tiểu đường type 2 tăng cao nhất. Năm 2013, Việt Nam có gần 3.300 ca tiểu đường trong độ tuổi từ 20-79, dự báo đến năm 2035 con số này sẽ tăng lên gần 6,4 triệu ca. Năm 2015 ước tính nước ta có khoảng 54.000 trường hợp tử vong có liên quan đến căn bệnh này.
>>> Mời quý độc giả xem Video: "Việt Nam cứ 11 người có 1 người mắc căn bệnh có thể phải cưa chân tay" tại đây. Nguồn: Theo VTC14.
Tại "Hội thảo Điều trị bệnh lý tim mạch và đái tháo đường" trong khuôn khổ "Triển lãm y tế quốc tế lần thứ 12" (diễn ra tại TP.HCM), các chuyên gia lo ngại tình trạng gia tăng đái tháo đường type 2 đang ngày càng gia tăng.
Theo bác sĩ Từ Kim Thanh, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM, cứ 10 giây trôi qua trên thế giới có một người tử vong vì bệnh đái tháo đường, 24 giờ tiếp theo có bệnh nhân mắc một trong những biến chứng như mất thị lực, chạy thận nhân tạo và suy tim.
Tại buổi lễ công bố hai hướng dẫn chuyên môn mới được cập nhật về đái tháo đường type 2 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức chiều ngày 20/9, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, gánh nặng đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng nhanh đến năm 2040. Theo đó, một trong bảy người trưởng thành ở Việt Nam mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo thường.
Năm 2015, Việt Nam có 3,5 triệu người trưởng thành mắc đái tháo đường, tương đương 6% dân số và dự kiến đến năm 2040 sẽ có 6,1 triệu người trưởng thành có thể mắc đái tháo đường, tăng 74%.
Cũng theo số liệu mà Cục Quản lý Khám chữa bệnh đưa ra, hiện nay, 5/10 người mắc đái tháo đường không biết mình mắc bệnh (khoảng 1,8 triệu dân). Dưới 1/10 người mắc đái tháo đường không đạt được các mục tiêu điều trị.
Việt Nam đang có tảng băng về đái tháo đường, trong đó, có 31,1% người đái tháo đường (nhóm 18 đến 69 tuổi) được chẩn đoán, trong khi có tới 69,9% người đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Bên cạnh đó, đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế mới chỉ 28,9% trong khi số chưa được quản lý theo số liệu thống kê mới nhất năm 2015 là 71,1%.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định, đái tháo đường có thể được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20-40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.