Vừa qua, các y bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho bé trai bị thoát vị hoành bẩm sinh ngay khi vừa chào đời. Đây là một trong những dị tật bẩm sinh phức tạp, có tỉ lệ tử vong cao, đòi hỏi chuyên môn và sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ giữa các chuyên khoa trước, trong và ngay sau khi trẻ chào đời.
Qua khai thác bệnh sử, sản phụ T.T.H 28 tuổi, (Đô Lương, Nghệ An) đã mổ lấy thai 3 lần. Lần thứ 4 mang thai này, bệnh nhân theo dõi thai kỳ tại các cơ sở y tế tuyến dưới quý I và quý II nhưng không phát hiện bất thường. Lúc thai 34 tuần 4 ngày, sản phụ có biểu hiện ra máu âm đạo đi khám tại Trung tâm Sàng lọc Chẩn đoán Trước sinh và Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
|
Các bác sĩ phẫu thuật thoát vị hoành cho trẻ sơ sinh. Ảnh BVCC |
Tại đây, sau khi thực hiện các bước khảo sát hình thái thai nhi, theo dõi tim thai, cơn co tử cung các bác sĩ phát hiện thai nhi bị thoát vị hoành bên trái. Thai phụ đã được các bác sĩ tư vấn chuyên môn, giải thích rõ ràng về tình trạng thoát vị hoành bên trái của thai nhi, cũng như hướng xử lý.
Khi thai nhi được 36 tuần 6 ngày, sản phụ thấy đau vết mổ và nhập viện vào khoa Sản bệnh. Cùng ngày 11/11, khoa Sản bệnh tiến hành phẫu thuật lấy thai thành công, bé trai nặng 2600gr chào đời. Sau sinh trẻ khóc yếu, tím tái; trẻ nhanh chóng được đặt ống nội khí quản ngay trong phòng mổ, sau đó chuyển về khoa Hồi sức tích cực ngoại.
Tại khoa hồi sức tích cực Ngoại, trẻ được chăm sóc toàn diện, thở máy, sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng, dinh dưỡng, làm các cận lâm sàng cần thiết; đồng thời, phát hiện các dị tật kèm theo, điều chỉnh các rối loạn để chuẩn bị tốt nhất cho cuộc mổ thoát vị hoành.
|
Phẫu thuật kịp thời, cứu sống bệnh nhi bị thoát vị hoành bẩm sinh. Ảnh BVCC |
Ngày 14/11, khi trẻ được 3 ngày tuổi, ca phẫu thuật được tiến hành. Bước vào cuộc mổ, ê-kip đã cẩn trọng đưa các cơ quan nội tạng bị lạc chỗ về đúng vị trí, khâu phục hồi cơ hoành. Ca mổ kết thúc sau 1 giờ, trẻ được về khoa Hồi sức ngoại tiếp tục điều trị. Sức khỏe bé tốt lên từng ngày, được cai máy thở sau 3 ngày và có thể tự đi ngoài.
Nay trẻ đã ăn sữa tốt, tự thở bình thường, dự kiến trong vòng 7-10 ngày tới, bé đã có thể ra viện.
Theo Ths. BS Cao Nguyên Trường, khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Thoát vị hoành là dị tật bẩm sinh xảy ra ở trẻ nhỏ do quá trình hình thành cơ hoành không được hoàn thiện, tạo thành khe hở cơ hoành khiến cho lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn. Khi đó các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành, gây chèn ép các cơ quan trong lồng ngực (tim, phổi), thường gây thiểu sản phổi, tăng áp phổi nặng. Đây là bệnh lý rất nặng, tiên lượng tử vong cao nếu không được phát hiện sớm, cấp cứu ngay từ khi sinh và hồi sức, phẫu thuật kịp thời.
Vì vậy, việc phát hiện trẻ mắc dị tật thoát vị hoành ngay từ trong bụng mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng, giúp bác sĩ có kế hoạch theo dõi thai phụ và chăm sóc em bé sau sinh kịp thời.
Theo các BS hiện nay không có cách phòng ngừa thoát vị hoành ở trẻ sơ sinh vì chưa rõ nguyên nhân. Do đó, mẹ bầu cần tuân thủ lịch khám để tầm soát thai nhi và chẩn đoán bệnh để điều trị phù hợp.