Theo Bộ Y tế, trước đây, các vụ ngộ độc botulinum rất hiếm gặp trên thế giới, tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng ngộ độc tăng do trào lưu sử dụng túi hút chân không thực phẩm tăng, kèm theo đó là bảo quản thực phẩm không đảm bảo, sử dụng tủ lạnh không đúng, nấu lại thực phẩm không đủ chín trước khi ăn.
Các vụ ngộ độc xảy ra với triệu chứng nặng như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương (đang điều trị tại TP Hồ Chí Minh); vụ ở Kon Tum khi người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp, bỏ ra ăn. Các ca ngộ độc này nặng bởi nhiễm độc tố của botulinum.
Vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí. Vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp (không riêng pate), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này.
Các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng thời gian gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình, trào lưu bảo quản thực phẩm "hút chân không", đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người botulinum. Hậu quả của ngộ độc botulinum thường rất nặng nề, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
|
Các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không nên tự đóng gói, hút chân không thực phẩm để bảo quản trong thời gian dài. Ảnh minh họa. |
"Nguy cơ này không chỉ hiện hữu tại Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã cảnh báo trên thế giới về trào lưu sử dụng túi "hút chân không" các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc, đặc biệt ngộ độc vi khuẩn yếm khí nguy hiểm như trong vụ pate chay", bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết.
Vì thế, chuyên gia Cục An toàn thực phẩm lưu ý, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài. Vì những thực phẩm được đóng gói kín không đủ điều kiện công nghệ để tiệt trùng sẽ có nguy cơ sinh ra vi khuẩn yếm khí nguy hiểm.
Tốt nhất người dân nên sử dụng đồ ăn tươi mới, sau khi chế biến xong sử dụng trong 2 tiếng đồng hồ, nếu không ăn hết bảo quản trong tủ lạnh trong thời gian quy định để bảo đảm thực phẩm an toàn.
"Đối với thực phẩm đóng trong đồ hộp, khi sử dụng người dân cần kiểm tra kỹ hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã hết hạn, kiểm tra kỹ xem hộp có phồng, bẹp, móp không, mở ra mùi vị màu sắc có thay đổi không thì mới được dùng", bà Trần Việt Nga cảnh báo.
Khi có bất cứ triệu chứng gì liên quan đến sử dụng thực phẩm như nôn, đau bụng, đặc biệt là triệu chứng thần kinh liệt, sụp mi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khan tiếng, khô miệng… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời...
Bà Nga cho biết thêm, ngộ độc Botulinum là một ngộ độc nặng, có diễn biến lâm sàng nhanh, điều trị phức tạp, phải có liều đặc trị giải độc. Đây là loại ngộ độc có nguy cơ tử vong cao, dù qua khỏi cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Biểu hiện của ngộ độc độc tố Botulinum như liệt, mắt song thị, sụp mi, cứng họng, khô miệng… và diễn biến rất nhanh. Độc tố này không được loại trừ dù đun sôi lại. Vì thế, hãy bảo quản sản phẩm an toàn, đúng cách để phòng nguy cơ ngộ độc.