TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, 35 trường hợp nói trên đến bệnh viện khám rải rác từ cuối tháng 8 đến nay.
Qua sàng lọc, phát hiện trong nhóm này có 2 trường hợp nặng là cặp vợ chồng tại Hà Nội, 13 người khác có biểu hiện nhẹ như mệt mỏi, yếu cơ. Các bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội, một số ở các tỉnh lân cận.
Do các bệnh nhân đã ăn thực phẩm pate Minh Chay nhiều ngày, diễn biến xu hướng ổn định nên sau khi lấy mẫu xét nghiệm, bác sĩ tư vấn nhóm bệnh nhẹ về nhà theo dõi sức khỏe, nếu có diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.
Bệnh nữ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã tỉnh táo, có thể đi lại sang thăm chồng
Ngoài ra, TS Nguyên cho biết, ngày 3/9, hệ thống chống độc hồi sức cấp cứu các tỉnh ghi nhận thêm 1 trường hợp ngộ độc phải nhập viện sau ăn pate Minh Chay.
"Điều đó cho thấy nhiều người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với thông tin, còn một lượng sản phẩm pate Minh Chay vẫn đang lưu tại các gia đình, chưa được thu hồi hết và có nguy cơ gây ngộ độc tiếp", TS Nguyên nói.
Theo TS Nguyên, sản phẩm pate Mịnh Chay chứa độc tố botulinum cực độc, khi ăn phải với lượng chưa tới 0,1mg đã có thể gây tử vong, có thể coi là một trong các chất độc độc nhất hiện nay.
“Việc giữ các sản phẩm chứa độc tố này tại nhà rất nguy hiểm, không may có người không biết hoặc nhầm lẫn ăn phải thì lại gây ngộ độc. Do đó các sản phẩm chứa độc tố này cần được nhanh chóng loại khỏi đời sống càng sớm càng tốt”, TS Nguyên cảnh báo.
Về sức khoẻ 2 bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Nguyên cho biết, sau 20 ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã khả quan hơn sau khi được dùng thuốc giải độc vào ngày 29/8.
Trong đó, người vợ đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ, tự ăn uống và đi lại. Người chồng sức khỏe cải thiện chậm hơn do ăn nhiều pate Minh Chay hơn, nhiễm độc nặng hơn.
TS Nguyên khuyến cáo, để tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, người dân cần ngừng sử dụng pate Minh Chay và các sản phẩm cùng nhà sản xuất công ty Lối sống mới, nhanh chóng liên hệ với cơ quan y tế, an toàn thực phẩm của khu vực để bàn giao các sản phẩm của công ty này, kể cả sản phẩm đang dùng dở hoặc chưa dùng.
Nếu đã ăn các sản phẩm nói trên, cần phải theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bất thường (đau bụng, buồn nôn, đau họng, nhìn mờ, chân tay mỏi yếu...) nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám và kiểm tra.
Đến ngày 9/9, theo thống kê tại các cơ sở y tế, có khoảng 20 bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng sau khi ăn pate Minh Chay phải nhập viện.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ 1/7 đến gần cuối tháng 8, công ty Lối sống mới đã bán ra thị trường 10.000 sản phẩm pate Minh Chay.