|
Celine Dion tiết lộ căn bệnh siêu hiếm mà bà mắc phải. Tình trạng nghiêm trọng của bệnh khiến bà phải hủy chuyến lưu diễn. Ảnh: Denise Truscello/WireImage.
|
Theo New York Times, siêu sao nhạc pop Celine Dion thông báo vào 8/12 rằng bà đang mắc một căn bệnh thần kinh rất hiếm gặp và buộc phải hoãn chuyến lưu diễn 2023.
Nữ diva được chẩn đoán mắc hội chứng người cứng, căn bệnh khiến cả cơ thể cứng nhắc và làm các cơ bị co thắt nghiêm trọng. Theo tiến sĩ Pavan Tankha, giám đốc y tế phục hồi cơn đau toàn diện tại Phòng khám Cleveland (Mỹ), cho biết căn bệnh này cực kỳ hiếm gặp. Tỷ lệ mắc hội chứng người cứng chỉ là 1/1.000.000.
Hội chứng người cứng là gì?
Hội chứng người cứng đơ là tình trạng thần kinh tự miễn dịch hiếm gặp. Nó ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương, dẫn tới tình trạng cơ thể cứng nhắc và đau đớn do co thắt cơ bắp. Căn bệnh được đặt tên lần đầu tiên vào những năm 1920, sau khi các bác sĩ mô tả triệu chứng bệnh nhân ngã xuống như “người gỗ”.
Tiến sĩ Scott Newsome, giám đốc Trung tâm Hội chứng Người cứng đơ tại Johns Hopkins Medicine, cho biết các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, ông khẳng định căn nguyên của hội chứng người cứng chắc chắn có liên quan đến hệ thống miễn dịch.
|
Biểu tượng âm nhạc Celine Dion không may mắn mắc phải hội chứng người cứng. Đây là căn bệnh thần kinh tự miễn dịch hiếm gặp và rất khó chẩn đoán. Ảnh: nationalturk.
|
Tiến sĩ Newsome cho biết hội chứng này rất khó chẩn đoán. Hội chứng này không gây chết người nhưng nó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Giống như nhiều bệnh mạn tính khác, các biến chứng liên quan đến căn bệnh này có thể rút ngắn tuổi thọ.
Người dễ mắc hội chứng người cứng đơ
Tiến sĩ Richard Nowak, trợ lý giáo sư thần kinh học tại Trường Y Đại học Yale, nói: "Tất cả mọi người, dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa, đều có nguy cơ mắc hội chứng người cứng. Nhưng độ tuổi điển hình nhất là 30-60 vì những người ở độ tuổi này thường xuyên phải chịu nhiều căng thẳng".
Tiến sĩ Newsome cũng cho biết thêm căn bệnh này giống như nhiều bệnh về hệ miễn dịch khác, hội chứng cứng đơ thường gặp ở nữ giới hơn là nam giới.
Tiến sĩ Tankha cho biết những người bị một số tình trạng tự miễn dịch và ung thư như tiểu đường, viêm tuyến giáp, bệnh bạch biến, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư phổi và ung thư ruột kết, sẽ có nguy cơ mắc hội chứng cứng đơ cao hơn người bình thường. Tuy nhiên, rủi ro này vẫn nằm ở mức độ thấp.
Biểu hiện của hội chứng
Tiến sĩ Tankha cho biết triệu chứng của hội chứng người cứng đơ thường bắt đầu với hiện tượng tê cứng ở thân và bụng, sau đó có thể lan ra chân, tay và mặt.
Lúc đầu, căn bệnh chỉ thi thoảng làm giảm khả năng vận động của bệnh nhân. Nhưng theo thời gian, tình trạng này có thể diễn ra liên tục, khiến người bệnh đi hơi khom người hoặc mất hoàn toàn khả năng đi lại. Người mắc bệnh cũng có thể bị co thắt cơ rất đau đớn hoặc đau nhức liên tục.
Tiến sĩ Tankha nói thời gian co thắt có thể từ vài giây đến vài giờ. Những cơn co thắt có thể nghiêm trọng đến mức làm gãy xương hoặc khiến bệnh nhân ngã xuống.
Tiến sĩ Newsome cho biết các cơn co thắt cơ có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố môi trường, chẳng hạn tiếng ồn lớn, nhiệt độ lạnh và cảm xúc tiêu cực.
Các cơn đau mạn tính của hội chứng cũng khiến một số bệnh nhân có nguy cơ mắc rối loạn lo lắng, trầm cảm và bị ám ảnh mỗi khi ra ngoài hoặc thử các hoạt động mới.
Theo Tiến sĩ Newsome, các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng ở mỗi người là khác nhau.
Hội chứng cứng người được điều trị như thế nào?
Đáng tiếc rằng hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa phát hiện ra cách chữa trị hội chứng cứng người. Vì vậy, các bác sĩ cố gắng tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và cơn đau.
Tiến sĩ Newsome nói việc điều trị bao gồm các biện pháp can thiệp bằng thuốc và không dùng thuốc. Tình trạng cứng người và co thắt có thể được điều trị bằng thuốc giãn cơ và tiêm Botox. Bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ được can thiệp với liệu pháp miễn dịch và thuốc ức chế miễn dịch.
|
Căn bệnh này chưa có cách điều trị. Do đó, các bác sỉ chỉ tập trung can thiệp bằng nhiều liệu pháp để làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Ảnh: ameripharmaspecialty.
|
Tiến sĩ Senda Ajroud-Driss, phó giáo sư thần kinh học tại Trường Y khoa Tây Bắc Feinberg, cho biết việc giảm bớt phản ứng miễn dịch của cơ thể cũng giúp làm dịu các triệu chứng.
Đối với các phương pháp điều trị không dùng thuốc, bệnh nhân sẽ trải qua liệu pháp hành vi nhận thức và các liệu pháp tâm lý khác để họ kiểm soát được cảm xúc, tránh việc kích thích co thắt cơ, cũng như phát triển các kỹ năng sống chung với tình trạng bệnh mạn tính.
Các loại phương pháp điều trị khác, ví dụ vật lý trị liệu, thủy liệu pháp, liệu pháp nhiệt và châm cứu cũng giúp giảm đau cho một số bệnh nhân.
Chẩn đoán như thế nào?
Tiến sĩ Nowak cho biết việc chẩn đoán tình trạng bệnh cần kết hợp nhiều công cụ. Do hội chứng người cứng đơ rất hiếm gặp nên đầu tiên, các bác sĩ thường chẩn đoán bằng cách loại trừ các căn bệnh phổ biến khác.
Sau đó, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ thực hiện kiểm tra thể chất và thần kinh của bệnh nhân. Họ cũng sẽ xét nghiệm máu, đánh giá độ cứng của cơ, chụp MRI và các xét nghiệm hình ảnh khác, đồng thời thực hiện chọc dò tủy sống để chẩn đoán kĩ lưỡng hơn.
Tiến sĩ Nowak nói điều quan trọng mọi người cần ghi nhớ là mặc dù những triệu chứng của bệnh người cứng đơ khá phổ biến, nhưng hội chứng này vẫn rất hiếm gặp. Ông nói: “Không phải cơn đau nhức nào cũng là biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng người cứng đơ đâu".