Trong cùng một buổi chiều, chị nhận được hai tin không vui. Một là chị sẽ bị cắt giảm 20% lương do công ty gặp khó khăn trong hoạt động vì dịch bệnh. Tin thứ hai đến từ chồng chị: “Từ tháng sau, cơ quan anh yêu cầu nhân viên đi làm 10 ngày, nghỉ 10 ngày. Nếu dịch kéo dài, có khi cơ quan còn cắt giảm nhân sự”.
Chị thấy như có lửa đốt trong lòng. Chẳng biết tới đây, gia đình chị sẽ phải xoay vần ra sao? Hồi chưa có dịch, thu nhập của vợ chồng chị đã khiêm tốn. Nay, đã khó lại càng khó hơn.
Chị chẳng còn tâm trạng để tập trung vào làm việc. Dịch bệnh là điều chẳng ai muốn và nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, chị chẳng thể trách ai giận ai. Mới hồi đầu tháng, chị tham dự cuộc họp với các lãnh đạo chủ chốt của công ty. Nhìn gương mặt đăm chiêu của các lãnh đạo, chị biết họ cũng đang đau đầu lắm. Mỗi ngày qua đi, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được là công ty lại thêm tổn thất. Hôm ấy, giám đốc đã đón đầu: “Chúng tôi sẽ cố gắng xoay xở để đảm bảo cuộc sống ổn định cho anh chị em nhân viên. Nhưng nếu khó khăn quá, thì ban giám đốc và các lãnh đạo ban sẽ tiên phong chịu cắt giảm lương trước. Tôi mong các cán bộ chủ chốt của công ty thông cảm và ủng hộ”.
|
Ảnh minh họa. |
Chỉ ít ngày sau, chị đã nghe thông báo lương bị cắt giảm.
Hai vợ chồng chị đều là người ngoại tỉnh lên thành phố lập nghiệp. Bản tính cả hai đều thận trọng, rụt rè, ngại va chạm nên cũng chỉ biết ngày ngày đi làm, cuối tháng nhận lương. Anh chị chẳng có máu kinh doanh để kiếm nhiều tiền như thiên hạ. Chồng chị có lần an ủi: “Có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít em ạ. Mỗi người mỗi duyên, mỗi phận. Mình không hợp buôn bán, lao vào có khi lại thua lỗ. Thôi thì bằng lòng với cuộc sống hiện tại”.
Chị nghe anh, đồng ý yên phận. Bao nhiêu năm rồi, trong khi bạn bè mua được nhà to, xe đẹp, vợ chồng chị vẫn ở trong căn hộ tập thể đã xuống cấp cũ rích. Có người bạn thân giục chị mua lấy căn nhà mới, thiếu đâu bạn cho vay. Chị chỉ cười cười mà không dám nói thật lý do, từng đó năm, vợ chồng chị chả có đồng tiền dành dụm nào. Kiếm được bao nhiêu, tháng nào nhà chị tiêu xoẳn tháng đó, nhất là từ khi các con lớn phải đầu tư cho học hành.
Trên đường về, chị cứ nghĩ mãi chả biết tới đây sẽ như thế nào? Hai đứa con chị, riêng tiền học trong học ngoài đã chiếm gần hết khoản lương của chị. Khoản lương còn lại chỉ đủ để cả nhà sinh hoạt ở mức trung bình. Một năm, vào dịp đặc biệt lắm vợ chồng chị mới dám đưa các con ra ngoài hàng ăn. Đến việc mua lấy cái áo mới chị cũng phải đắn đo vì sợ tốn tiền. Nhiều lúc chị tự hỏi, chẳng biết cái nghèo cứ theo mình tới bao giờ? Vậy mà dịch bệnh lại ập tới càng làm mọi thứ càng đảo lộn hết cả.
Chị về tới tầng 1, cả sân tập thể vắng hoe. Bình thường, vào giờ này, người lớn trẻ con đã tụ tập ở đây đông vui lắm. Các bà ở khu rất thích ngồi với nhau, chia sẻ vui buồn cuộc sống. Còn lũ trẻ thì chơi đùa, chạy nhảy tung tăng. Từ ngày dịch bệnh bùng phát, mọi người chủ yếu ở trong nhà.
Bà Tư bán nước ở đầu ngõ, tay xách cái làn nhựa đựng lỉnh kỉnh những ấm, cốc chén lững thững tiến lại gần chị. Thấy vậy, chị liền chào: “Bà dọn hàng sớm vậy ạ”, “Vâng, thì có bán được đâu cô. Tình hình này khéo mai kia tôi nghỉ bán hàng luôn. Dịch bệnh nên mọi người hạn chế la cà hàng quán. Hôm trước, tôi chỉ pha có mỗi một bình trà mà phải đổ đi hơn nửa vì ế. Chán thật”.
Nghe tiếng thở dài của bà Tư, chị biết bà cũng đang âu lo trong lòng. Bà Tư năm nay ngoài 70 tuổi, không chồng, không con nên vẫn phải tự mình nuôi mình. Giờ đây, không kiếm được tiền từ quán bán nước, chẳng biết bà lấy gì để sống.
Vừa hay lúc đó lại có bác Lê, sống ở tầng trên đi về. Trên tay bác xách đủ thứ nào rau, cam, mấy chai nước muối và cả bó hoa hồng to. Bác Lê bảo: “Tôi đi chợ mua ít rau, hoa quả về cho các cháu ăn tăng sức đề kháng mà chống dịch. Mấy chai nước muối thì cả nhà cùng sử dụng. Còn bó hoa này thì để cắm trong nhà cho đẹp. Lo thì cứ lo, nhưng yêu đời thì cứ phải yêu đời. Thôi thì muốn cộng đồng khỏe thì bản thân mình và gia đình phải khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần trước đã cô nhỉ”.
Chị nghe bác Lê nói xong, rất ngạc nhiên. Đúng là từ hồi có dịch, chị cứ suốt ngày âu lo, chả còn nghĩ đến việc tự tạo niềm vui cho mình.
Qua 5 tầng thang bộ, chị lên đến nhà. Cả hành lang tối om, nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm. Có cặp vợ chồng làm phục vụ ở khách sạn, mới đây cũng bị cho thôi việc nên đã tạm thời trả nhà để về quê.
Các con thấy chị về, ùa ra đón mẹ rồi lại vào ngay trong nhà. Chúng cũng buồn chân lắm nhưng đã được quán triệt tinh thần hạn chế đi lại, ở nhà để chống dịch nên không dám than thở.
Tối đó, cơm nước xong xuôi, chị cũng kể cho chồng nghe tình hình ở công ty mình. Rồi chị rầu rầu: “Thế này, mình biết xoay xở ra sao đây anh. Dịch có qua thì cũng cần có thời gian để kinh tế phục hồi. Nói chung người làm công như vợ chồng mình còn ảnh hưởng dài dài”.
Chồng chị đáp:
- Mình phải cố gắng khắc phục thôi em ạ. Lo lắng trong hoàn cảnh này cũng chẳng có ích gì.
- Ngày trước, hai khoản lương đã khó sống. Giờ chỉ còn lại xuất rưỡi. Mà việc chi tiêu, ăn uống đâu dừng được…
- Anh tính từ mai, hai vợ chồng mình tự mang cơm đi làm, ăn vừa vệ sinh, an toàn, vừa tiết kiệm hơn so với ra ngoài hàng. Để em khỏi phải vất vả, buổi tối, em nấu dư ra một chút làm đồ ăn cho bữa trưa hôm sau luôn.
Chị tiếp lời:
- Quê mình có nguồn thực phẩm sạch, đằng nào ông bà cũng mất công gửi lên cho hai vợ chồng, em sẽ bảo ông bà tiện thể gửi nhiều lên. Sau đó, em sẽ cung cấp cho chị em nào ở cơ quan có nhu cầu. Mình chỉ lấy thêm chút tiền công thôi chứ cũng chẳng lấy lãi nhiều của chị em.
- Để anh cũng gọi mấy người bạn xem có việc nào làm cùng trong lúc nghỉ luân phiên ở cơ quan không. Trước mắt, trong thời gian nghỉ, anh sẽ sang sửa lại nhà cửa. Mình trổ thêm cửa sổ nhỏ ở phòng các con để đón thêm khí trời. Anh tự làm nên không tốn kém lắm. Trong lúc khó khăn, vợ chồng động viên nhau tìm cách thích nghi vậy em ạ.
Có anh an ủi, chị thấy cũng nhẹ nhõm hơn. Rồi chị chợt nhớ tới lời bác Lê hàng xóm, dù gì thì cũng vẫn phải yêu đời. Chị liền quay sang bảo chồng: “Vâng, anh trổ xong cửa sổ, em sẽ mua mấy giỏ cây xanh về treo. Nhà cửa phải thoáng mát, đẹp đẽ thì con vi rút Covid mới không dám bén mảng lại gần, anh nhỉ”.