“Dậy sớm để thành công” là câu nói được nhiều người biết tới. Không chỉ vậy, thức giấc sớm cũng đem lại những lợi ích sức khỏe khiến những người hay thức khuya dậy muộn cần xem xét lại thói quen của mình.
Theo nghiên cứu mới của Đại học Pittsburgh (Mỹ) công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry, thức dậy sớm - và duy trì hoạt động suốt cả ngày - có thể cải thiện sức khỏe và năng suất tổng thể của bạn, đặc biệt đối với người lớn tuổi.
Tiến sĩ Stephen Smagula, tác giả chính của nghiên cứu, chuyên gia tâm thần học và dịch tễ học tại Đại học Pittsburgh, giải thích: "Dậy sớm, duy trì hoạt động thường xuyên và tuân theo cùng lịch sinh hoạt dường như đang bảo vệ người lớn tuổi. Chủ động thay đổi thói quen hằng ngày có thể cải thiện sức khỏe và thể chất".
Nhóm tác giả xem xét dữ liệu của 1.800 người lớn trên 65 tuổi trong một tuần, theo dõi hoạt động của họ bằng đồng hồ thông minh và phân tích bảng câu hỏi liên quan đến nhận thức.
Kết quả ghi nhận, gần 38% người tham gia có thói quen dậy sớm và tiếp tục vận động. Tiến sĩ Smagula cho biết: "Nhiều người lớn tuổi dậy trước 7h sáng và hoạt động trong 15 tiếng mỗi ngày. Những người đó cảm thấy hạnh phúc hơn, ít trầm cảm và có chức năng nhận thức tốt hơn”.
Trong khi đó, 32,6% số người tham gia cũng giữ thói quen điều độ nhưng chỉ hoạt động trong 13,4 giờ mỗi ngày - do thức dậy muộn hơn hoặc giảm hoạt động vào buổi tối. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng điều này khiến họ có nhiều triệu chứng trầm cảm và nhận thức kém hơn so với những người thức dậy vào khoảng 7h.
Số tình nguyện viên còn lại của nghiên cứu có lịch sinh hoạt thất thường khiến sức khỏe tâm thần và nhận thức suy giảm hơn nữa.
Tiến sĩ Smagula cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi cho thấy những thay đổi đơn giản mà mọi người có thể áp dụng cải thiện sức khỏe".