Chúng tôi vừa làm xong thủ tục ly hôn, chồng tôi đã dọn đi, căn hộ chung cư để lại cho tôi và đứa con gái chín tuổi. Trước đây, chúng tôi đã một lần nộp đơn xin ly hôn, tòa hòa giải thành công, chúng tôi quay về sống với nhau. Lần này thì ly hôn thật.
|
Ảnh minh họa. |
11 năm hôn nhân, thủ tục chính thức thì chỉ có hai lần, nhưng số lần chúng tôi dọa chia tay, thách thức ly hôn thì rất nhiều. Vì thế, tôi nghe chuyện ly hôn cứ như nghe hát mãi một khúc nhạc đến thuộc cả lời, sinh ra quán tính: ừ muốn ly hôn thì cứ viết đơn…
Nhưng lúc này, khi chỉ còn lại hai mẹ con, tôi chợt thấy mình có lỗi với con, có phần quá quắt với chồng. Con tôi vốn rất ngoan nhưng sớm gặp chuyện buồn nên lúc nào cũng khép kín bản thân, không vui vẻ cởi mở với mọi người.
Tôi thì quá mệt mỏi với việc mưu sinh nên cũng không còn hơi sức để gần gũi động viên cháu. Trong mắt con gái tôi, không ai tốt hơn ba nó cả. Tôi thỉnh thoảng lại nghĩ, hay tại mình “già néo đứt dây”, nếu có cách nào quay lại, có thể tôi sẽ sống đàng hoàng và biết nhường nhịn hơn…
Cẩm Mai (TP HCM)
Chị Cẩm Mai thân mến,
Tâm trạng của chị cũng là tâm trạng thường gặp của nhiều người sau đổ vỡ. Các cặp vợ chồng quen lấy việc ly hôn ra làm áp lực với nhau thường vướng phải kết cục này. Ai cũng nghĩ người kia không dám, lại không tự hiểu rõ bản thân, nghĩ tự mình có thể làm việc này việc nọ, có thể sống không cần ai… Từ những ảo tưởng đó, chuyện “già néo đứt dây” là hệ quả tất yếu, khi dây đã đứt mới nhận ra mình cũng có khi quá quắt, không biết nhường nhịn. Thôi thì mình làm mình chịu, giờ không thể trách móc hay đổ lỗi cho ai được.
Đây là giai đoạn khó khăn đối với cả hai người. Có người sau ly hôn, cảm xúc sám hối đó giúp họ thay đổi bản thân, sống tích cực hơn; nhưng cũng có người buông tay, để mình tuột dốc không phanh trong sự tự trách và nuối tiếc.
Lúc này, chọn lựa thái độ sống nào là việc của mình, không ai can thiệp và giúp được gì mình, chỉ còn trông cậy vào chính chị mà thôi. Do vậy, chị cần bình tĩnh để có sự chọn lựa tích cực.
Một mặt, chị nên giữ ở mức tốt (hoặc ít ra là ở mức bình thường) những quan hệ còn lại với chồng cũ, với những người quen chung, với gia đình bên chồng cũ… như một phần không tách rời khỏi cuộc đời mình, dù đã qua. Mặt khác, chị cần suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống hiện tại và sắp tới.
Việc có trở lại được với nhau không, có nên trở lại không, không chỉ phụ thuộc vào mình, mà còn do hoàn cảnh, do tình cảm của người kia. Cái “nếu” là việc của tạo hóa xoay vần, còn chuyện “sống đàng hoàng và biết nhường nhịn hơn” là tự mình có thể làm được.
Chị hãy bắt đầu từ những gì còn lại sau đổ vỡ, quan trọng nhất là con gái. Chị đừng bỏ mặc con trong giai đoạn phải làm quen với cảnh không còn ba. Hãy quan tâm, chuyện trò, yêu thương và bày tỏ tình cảm với con, sao cho con thấy mẹ và con vẫn gắn bó, vẫn đầy đủ tình cảm gia đình.
Phần thiếu hụt, mình có thể bù đắp bằng cách tạo điều kiện cho cha con thăm nhau, cùng chơi đùa, trò chuyện với nhau. Đó cũng là tự tạo cơ hội cho chuyện trở về, nếu tình cảm của hai người vẫn còn thì biết đâu cây đời sẽ lại đơm hoa kết trái. Chúc chị vui và biết cân bằng cuộc sống.