Cha mẹ ơi! đừng quá sợ hãi. Hãy mạnh dạn giao cho con trẻ. Vấn đề nào cũng có hai mặt, hãy cho trẻ trải nghiệm và tự lập kế hoạch chi tiêu cá nhân của bé, tất nhiên là dưới sự giám sát ngầm của người lớn để trẻ hình thành một kỹ năng nên và không nên mua gì ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Bởi sau này lớn lên trẻ sẽ phải tự kiếm tiền và chi tiêu những đồng tiền của chúng chứ cha mẹ không thể làm thay con cái được.
Rất nhiều bậc phụ huynh khi con nhận được tiền lì xì thì thường ‘’tịch thu’’ ngay với lý do sợ trẻ còn nhỏ không biết giữ và tiêu tiền hoang phí. Cũng nhiều ông bố bà mẹ tế nhị hơn thì ‘’vay mượn’’ hoặc hứa giữ hộ con để rồi mua cho con vài ba thứ đồ gì đó mà con trẻ thích.
Hai con gái tôi năm nào sau Tết cũng có một khoản tiền kha khá, chúng rất háo hức với số tiền của mình. Năm nay thay vì quản lý tiền mừng tuổi hộ con, tôi quyết định để hai cháu tự quản lý và sử dụng số “tài sản” nho nhỏ của mỗi đứa.
Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng làm sao để hướng dẫn cho hai cháu một đứa lớp chín, một bé lớp ba sử dụng tiền lỳ xì đúng cách và có ý nghĩa cũng là một việc làm khá khó.
Hai cô bé khá vui vì lần đầu được mẹ cho quyền quản lý và tự chi tiêu. Cô em nói với cô chị là vào năm học mới sẽ trích ra một món tiền trong số đó để cho vào quĩ giúp những học sinh nghèo vượt khó của trường.
Cô chị lớp chín rất háo hức với số tiền của mình. Cô bé thì thầm sẽ mua những cuốn sách vẫn hằng ao ước từ lâu. Mua một chiếc ba lô và một đôi giày thể thao mới cho những buổi dã ngoại với bạn bè. Tôi chỉ kiên nhẫn lắng nghe kế hoạch và để hai con tự giải quyết vấn đề chi tiêu mà không can thiệp.
Cô chị lên kế hoạch mua sắm và xem giá những món đồ cần mua. Một loáng sau nhẩm tính thì số tiền đã mất đi khá nhiều nếu cô mua toàn bộ những thứ mà cô thích. Còn cô em lớp bốn sau tính toán nếu ủng hộ quĩ lớp và mua một hộp màu lớn thì số tiền bé vẫn còn là khá lớn. Cô chị và cô em tự so sánh số dư tiền còn lại với nhau, bỗng nhiên cô chị nói rằng cô sẽ mua bớt đi vài cuốn sách, không mua ba lô du lịch nữa bởi vì ba lô đang dùng còn khá tốt. Thì ra cô bé cũng biết tính toán so đo, số tiền lì xì ban đầu là khá lớn đối với nó, nhưng nếu cứ mua theo cảm tính và sở thích của mình thì sẽ hết một cách rất nhanh chóng.
Thực ra, khi chúng ta lớn lên, mọi thứ đều phải tự học và tự thực hành những bài học nhỏ nhất về việc kiếm, sử dụng và chi tiêu tiền của mình một cách hợp lý. Rất nhiều người luôn túng quẫn cũng chỉ bởi vì họ không hề biết cách chi tiêu. Chi tiêu phù phiếm, vượt quá khả năng của mình tác hại không kém việc lười lao động kiếm tiền. Vậy nên việc kiếm tiền đã khó nhưng việc tiêu tiền thông minh còn khó gấp bội lần.
Không có gì là không nên khi cho con trẻ tự quản lý một số tiền nhỏ gọi là “vốn riêng” của chúng. Tuy nhiên hãy hướng cho con tiêu vào những việc có ích nhất. Đôi khi bọn trẻ tiêu vào vài ba thứ không đâu và chúng sẽ lấy làm hối tiếc vì số tiền mình có đã nhanh chóng không còn. Những lần sau trẻ sẽ biết cân nhắc hơn, ít mua những thứ vô bổ hơn.
Rất nhiều người thường sợ hãi khi nói đến việc trẻ biết tiêu tiền sớm, thực ra không phải là không có lý do. Thường những đứa trẻ hư hỏng do biết tiêu tiền từ khi còn nhỏ là bởi trẻ thường xuyên có tiền mà không phải đòi hỏi hoặc khó khăn gì. Nhiều bậc cha mẹ ngay từ khi trẻ còn bé đã đòi gì được nấy, bất cứ chuyện gì trẻ đòi hỏi là ngay lập tức được đáp ứng mà không biết cách trì hoãn sự đòi hỏi thái quá của con em mình.
Cũng lứa tuổi ấy, nhưng nếu cha mẹ dạy cho trẻ biết tiêu tiền vào những việc chính đáng, và nói cho trẻ hiểu sự vất vả và khó nhọc thế nào mới có thể kiếm ra tiền thì chắc chắn ngay từ bé trẻ đã có thói quen chi tiêu hợp lý và sau này lớn lên hình thành thói quen tiêu tiền thông minh.