Cô Vương, 40 tuổi, người Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) cảm thấy rất mệt mỏi, thường xuyên ngủ mệt nên đi khám. Cô Vương nghi ngờ mình bị viêm gan nhưng siêu âm khẳng định gan không có gì bất thường.
Quan sát thấy sắc mặt cô Vương tái nhợt, cơ thể yếu ớt và đi lại cực kỳ chậm chạp, trông như bị thiếu máu, bác sĩ Diệp Bỉnh Uy - bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa, người tiếp nhận trường hợp của cô Vương yêu cầu xét nghiệm máu. Kết quả, Hemoglobin của cô Vương chỉ hơn 4g/dl trong khi giá trị bình thường của phụ nữ phải là 12g/dl.
|
Ảnh minh hoạ. |
Qua các xét nghiệm, cô Vương được phát hiện thiếu máu. Để tìm ra nguyên nhân khiến lượng huyết sắc tố cực thấp, bác sĩ Diệp Bỉnh Uy tiếp tục tiến hành nội soi dạ dày cho nữ bệnh nhân và ngạc nhiên khi tìm thấy một khối u ở điểm nối giữa trực tràng và đại tràng sigma của cô Vương, ruột già gần như bị thu hẹp lại.
Sau khi khám thêm, cô Vương được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn 3, nhưng điều kỳ lạ là cô Vương không hề có triệu chứng tiêu hóa rõ ràng. Sau khi hỏi thăm, bác sĩ mới biết cô Vương luôn sử dụng nhà vệ sinh dùng một lần, không bao giờ quan sát phân của mình, cũng từ đó bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo bệnh tật.
Bác sĩ Diệp thẳng thắn nói rằng, tình trạng của cô Vương rất nghiêm trọng, cần phải phẫu thuật và hóa trị để điều trị. Thêm nữa, vì bệnh đã bước sang giai đoạn thứ ba nên bác sĩ không thể chữa khỏi bệnh mà chỉ có thể cố gắng trì hoãn tình trạng bệnh, không để tiến triển nặng hơn.
Theo các chuyên gia y tế, đa phần các bệnh nhân đều không có cảm giác đau rõ ràng trong giai đoạn đầu của ung thư đại trực tràng. Các triệu chứng phổ biến chính bao gồm máu hoặc chất nhầy trong phân, thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy, táo bón), phân nhỏ hơn, tiêu chảy hoặc táo bón thường xuyên, sụt cân, thiếu máu và mót rặn (không có khả năng đi đại tiện hoàn toàn).
Khi có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, bệnh đã chuyển sang giai đoạn từ giữa đến cuối, việc điều trị phức tạp và khó khăn, quá trình và kết quả điều trị là gánh nặng lớn cho bệnh nhân và gia đình họ. Cần phải chú ý đến tình trạng tiêu hoá của mình, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng hoặc polyp đại trực tràng, béo phì và hút thuốc.
Về chế độ ăn uống, nên tránh thói quen nấu ăn chiên, nướng, hạn chế ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, có thể bổ sung nhiều trái cây, rau củ và chất xơ để kích thích nhu động ruột. Điều quan trọng cần lưu ý là ngồi lâu cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, cần thay đổi thói quen ngay.