Theo thông tin được lan truyền trên các trang mạng, người phụ nữ Trung Quốc được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng mặt, cổ và các bộ phận để hở bên ngoài đều nhuốm một màu đen như than.
Nguyên nhân được nhắc tới là do ăn rau dền luộc (ăn vào bữa tối hôm trước và ăn nốt phần thừa vào sáng hôm sau).
|
Rau dền. |
Phân tích của bác sĩ chữa trị cho người phụ nữ này cho rằng do rau dền có khả năng hấp thu ánh sáng cao, để qua đêm không tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, khi đi nắng không che chắn bảo vệ, người nhạy cảm rất dễ mắc bệnh viêm da ánh sáng thực vật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Thông tin người phụ nữ bị hoại tử vì ăn rau dền này được lan truyền trên facebook khiến nhiều người hoang mang bởi rau dền rất thông dụng trong bữa ăn hàng ngày và luôn được xem là loại rau tốt cho sức khỏe.
Zing.vn đã đem thông tin này nhờ các chuyên gia Việt Nam giải đáp.
Không có cơ sở "kết tội" rau dền
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhận định đây có thể là trường hợp rất hy hữu trên thế giới và không có cơ sở để “kết tội” rau dền. Việc hấp thụ ánh sáng không hại, cũng như các loại rau, quả khác, chúng không có mối liên hệ tới việc gây các chứng viêm da hay ngộ độc cho cơ thể.
Tuy nhiên, PGS Thịnh cũng khuyến cáo, thực phẩm, đặc biệt là rau luộc để qua đêm rất dễ bị hỏng và nhiễm độc tố do vi sinh vật. Do đó, tốt nhất, không nên tiếp tục ăn.
Theo chuyên gia này, trường hợp người phụ nữ ở Trung Quốc chỉ là một sự việc chưa được rõ ràng cả về sự việc, lẫn nguyên nhân. Song, do các thông tin được chia sẻ nhiều trên các trang mạng khiến nhiều người lo lắng. Thực chất, rau dền là loại rau ngon, bổ dưỡng và lành tính. Người dân không nên vì tin đồn vô căn cứ mà e ngại với loại rau này.
Về vấn đề này, TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội lại cho rằng việc người phụ nữ bị nguy kịch sau khi ăn rau dền là hiện tượng khá bình thường và hay xảy ra trong y học. Hiện tượng này có thể bị dị ứng do thực phẩm. Nó xảy ra với bất kỳ người nào có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng và với bất kỳ thực phẩm nào, bao gồm cua, tôm, cá, thịt hay rau ngót, cam, táo,…Theo đó, cơ thể có thể bị dị ứng với một thành phần nào đó có trong thực phẩm hoặc do thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản.
Tiến sĩ Phong cho biết, nhiều năm trong nghề, ông đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp cấp cứu do dị ứng với thực phẩm. Tuy nhiên, nặng đến mức cháy đen mặt mũi, tay, chân thì chưa. Trong trường hợp cụ thể, cần nghiên cứu rõ để tìm ra nguyên nhân thực sự khiến bệnh nhân gặp nguy kịch như vậy.
Rau dền rất lành tính
Đó là khẳng định của thạc sĩ, lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội). Ông cũng phủ nhận thông tin rau dền có thể khiến da bị cháy đen, thậm chí hoại tử.
“Nguyên nhân có thể là do các yếu tố khác, trùng hợp thời điểm ăn rau dền. Rau dền rất lành tính, hầu như không có kiêng kỵ đối với loại rau này”, lương y Vũ Quốc Trung khẳng định. Trong đông y, rau có vị ngọt, tính mát, tác dụng sát trùng. Bên cạnh đó, hạt rau dền có vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng làm mát gan. Cả hai đều nhuận tràng, lợi đại tiện, chữa lỵ, mắt có mọng.
Ngoài để ăn, rau dền còn được dùng để chữa rất nhiều bệnh:
Kiết lỵ: rau dền (100 g), lá mơ long (100 g), trứng gà (2 quả). Rau dền, lá mơ rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát, thêm 2 lòng đỏ trứng gà, hấp cách thủy và ăn.
Chữa táo bón: Rau dền (100 g), bắt ến (300 g), bột gia vị vừa đủ, nấu canh để ăn
Chữa mờ mắt: Hạt dền (100 g) phơi khô, tán mịn, mỗi lần uống 5 g, 3 lần/ngày.
Chữa viêm ruột: Rau dền tía một nắm, luộc bỏ bã, lấy nước nấu cháo ăn lúc đó.
Trợ sản: Rau dền luộc bỏ bã, cho thêm đường, uống lúc trở dạ có tác dụng dễ sinh hơn.