Giải nhiệt cơ thể bằng thực phẩm có tính hàn

Google News

(Kiến Thức) - Khi trời nóng bức, cần chọn lựa thực phẩm mang tính hàn, lạnh để giải nhiệt cơ thể, chẳng hạn như mướp đắng, củ cải, đậu phụ. 

Giai nhiet co the bang thuc pham co tinh han
 
Một trong những phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền là “ẩm thực liệu pháp”, tức là dùng những loại thực phẩm phù hợp với cơ thể theo từng mùa, thích ứng với khí hậu thời tiết để điều chỉnh cân bằng âm dương, cân bằng tạng phủ, giúp cho sức khoẻ được nâng cao, gìn giữ tuổi xuân và kéo dài tuổi thọ.
Đậu phụ: Có vị ngọt, mát, có tác dụng giải nhiệt cơ thể, nhuận táo, bổ trung, giải độc và sinh nước bọt. Đậu phụ dễ chế biến, có thể chần qua nước sôi rồi ăn sống, rán, sốt cà chua, kho với bột nghệ, nấu canh... tùy khẩu vị. Ngoài cách chế biến làm thức ăn thông thường, đậu phụ còn là thành phần cơ bản trong các món ăn vị thuốc như canh đậu phụ rau dền, canh dưa chuột đậu phụ, đậu phụ nấu với cá chạch, đậu phụ nấu với nấm, đậu phụ nấu với chân giò lợn...
Củ cải: Vị ngọt, tính mát, có lợi cho cả 5 tạng, làm hạ khí nhanh, giúp tiêu hóa ngũ cốc, giải nhiệt cơ thể, tiêu viêm, chống cơn khát, làm cho thân thể nhẹ nhàng, da dẻ hồng hào, giảm nếp nhăn. Ngoài ra, củ cải còn có tác dụng tiêu ứ, giải độc do rượu, cầm máu... Có thể chế biến với các món như củ cải luộc, xào thịt, hầm với thịt dê, thịt lợn...
Cà rốt: Vị ngọt, tính bình, vào kinh tỳ, can, phế, giúp kiện tỳ, tiêu thực, bổ can, sáng mắt, hạ khí, trị ho, thanh nhiệt, giải độc. Cà rốt ăn sống hoặc chín đều có tác dụng bổ máu. Người già yếu, trẻ em ăn cà rốt rất tốt, giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn, chữa chứng khô mắt, cam tích ở trẻ. Những người phế nhiệt ho hen, ho gà dùng cà rốt sống vắt lấy nước cốt uống rất hữu hiệu.
Bí đao: Vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, sinh tân, chỉ khát. Bí đao thường dùng nấu canh tôm, canh cua giải nhiệt cơ thể. Người bị phù thũng, béo phì, tiểu tiện khó dùng bí đao nấu với cá hoặc đậu đỏ rất tốt, giúp tiêu thũng, lợi tiểu.
Mướp đắng (khổ qua): Vị đắng, tính hàn, có tác dụng sáng mắt, trừ khát, giải nhiệt, bổ khí, hoạt huyết. Mướp đắng dùng làm thức ăn khi trời nóng rất phù hợp, thường xào với thịt, nấu canh xương, nhồi thịt hấp. Mướp đắng thái nhỏ phơi khô dùng dần, uống như uống trà cũng rất tốt. Đây còn là món ăn vị thuốc giúp cho người đái tháo đường dùng hàng ngày để ổn định đường huyết.
BSCK I Nguyễn Kim Lan (nguyên cán bộ Viện Châm cứu T.Ư)

>> xem thêm

Bình luận(0)