Lao cột sống ảnh hưởng lớn tới vận động
Lao cột sống thường là thứ phát sau lao phổi, màng phổi và lao hạch. Vi khuẩn lao theo đường mạch máu xâm nhập vào thân đốt sống, gây phá hủy thân đốt sống khiến bệnh nhân ảnh hưởng nhiều tới vận động, sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu bệnh phát hiện và điều trị sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Lao cột sống chủ yếu gây tổn thương ở đĩa đệm và thân đốt sống, rất ít khi gây tổn thương ở cung sau. Thương tổn thường ở hai đốt sống kề cận nhau và đĩa đệm ở giữa. Lao cột sống lưng và thắt lưng chiếm trên 90% trường hợp lao cột sống. Bệnh có thể xảy ra sau khi mắc bệnh lao phổi, lao hạch và cũng có thể xuất phát từ lao cột sống.
Bệnh nhân sẽ có triệu chứng toàn thân của bệnh lao như mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân, sốt nhẹ về chiều kéo dài, ra mồ hôi ban đêm (mồ hôi trộm). Đau lưng kéo dài âm ỉ vùng cột sống lưng hoặc thắt lưng, khu trú ở một vài đốt sống, đau tăng khi vận động, về sau đau liên tục cả ngày lẫn đêm. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân nghĩ mình bị đau lưng thông thường, nên không quan tâm nhiều.
Chỉ tới khi đau không chịu được, khó khăn đi lại, sốt nhiều mới thăm khám bác sĩ. Lúc này, bác sĩ sẽ dùng búa phản xạ gõ vào các gai sau cột sống sẽ tìm thấy đốt sống bị đau. Chụp X-quang có thể thấy đốt sống tổn thương bị phá hủy, thân đốt sống bị nham nhở, mờ phần trước và mặt trên, đĩa đệm hẹp so với các đoạn khác, phần mềm quanh đốt sống tăng cản quang, xẹp lún thân đốt sống...
|
Ảnh minh họa. |
Biến chứng hay gặp
Lao cột sống là một bệnh nhiễm trùng do vi trùng lao cho nên nếu không được phát hiện, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn toàn phát, trong giai đoạn này đĩa đệm và cột sống sẽ bị phá hủy nặng thêm, đồng thời tạo thành ổ áp-xe lạnh quanh vùng bị tổn thương khiến người bệnh có thể bị gù lưng hoặc thắt lưng, liệt chân. Tổ chức bã đậu có thể theo cơ đáy chậu, bóc tách bao cơ xuống dưới tạo ra túi mủ ở thấp ngang thắt lưng, hoặc túi áp-xe đi ra phía sau nổi ngay dưới da lưng hoặc thắt lưng gọi là áp xe lạnh. Túi này thường mềm, không đau, vùng da bên ngoài ổ áp-xe không nóng đỏ.
Đối với người cao tuổi khi có những dấu hiệu nghi ngờ hoặc đau lưng kéo dài, không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau thông thường nên đến bác sĩ chuyên khoa lao để được xác định chẩn đoán và điều trị kịp thời, vì bệnh lao cột sống là một bệnh để lại di chứng về cột sống rất nặng nề như gù vẹo cột sống, liệt chi dưới...
Nếu phát hiện trong giai đoạn còn sớm, bệnh còn nhẹ người bệnh chỉ cần nằm nghỉ ngơi, bất động cột sống tại giường mà không cần bó bột cột sống. Nếu bệnh đã vào giai đoạn nặng thì cần phải bất động cột sống bằng các hình thức hỗ trợ như máng bột. Ngoài ra, phải thường xuyên cho người bệnh tập vận động, xoa bóp chân tay để tránh teo cơ, cứng khớp.
Để điều trị tốt bệnh lao cột sống, ngoài việc dùng thuốc đặc trị lao theo phác đồ của chương trình chống lao quốc gia, người bệnh còn được dùng thuốc giảm đau, các loại vitamin, đặc biệt phải tăng cường các chất dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ năng lượng cho cơ thể.