Vừa qua, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã phẫu thuật ghép thận thành công cho bé trai N.M.T (11 tuổi, ở Hà Nội) bị suy thận giai đoạn cuối do hội chứng thận hư kháng thuốc có đột biến gen WT1.
Sau 9 ngày ghép thận, bệnh nhân tạm thời ổn định, ăn uống bình thường và tiếp tục được theo dõi. Ca ghép thận thành công đánh dấu bước ngoặt mới trong kỹ thuật điều trị bệnh lý suy thận của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương.
|
Bác sĩ BV Nhi TƯ thăm khám cho bệnh nhi. |
Theo lời kể của người mẹ, lúc 2 tuổi bệnh nhân đã phải mổ tinh hoàn ẩn và phẫu thuật dị tật lỗ tiểu thấp 2 thì với niệu đạo tạo hình 8 cm lúc 6 tuổi.
Từ khi phẫu thuật đến năm 9 tuổi, bé không có biểu hiện gì bất thường. Nhưng khoảng đầu năm 2018, thỉnh thoảng sau mỗi lần ngủ dậy bé có biểu hiện sưng mắt hai bên. Gia đình nghĩ đó chỉ là biểu hiện thông thường sau khi ngủ dậy nên đã không cho con đi khám.
Tuy nhiên, tình trạng sưng mắt nhiều hơn nên đã đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Tại đây, cháu được các bác sĩ chẩn đoán hội chứng thận hư kháng thuốc, không đáp ứng điều trị các thuốc ức chế miễn dịch điều trị thông thường dẫn đến suy thận mạn. Nếu không được thay thế thận, bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo suốt đời.
Dấu hiệu cảnh báo người bị hội chứng thận hư
Theo các chuyên gia y tế, hội chứng thận hư thường không gây đau nhưng sự tích nước trong cơ thể gây ra căng thẳng và khó chịu kéo theo các triệu chứng sau:
- Phù: Hội chứng thận hư làm giảm protein máu có thể dẫn tới tình trạng giảm sức kéo và giữ nước từ các mô kẽ vào trong lòng mạch, gây ứ nước ở mô kẽ, hậu quả là dẫn đến phù. Tình trạng này thường tiến triển ở quanh mắt, mu bàn chân - cẳng chân rồi mới đến các phần còn lại trên cơ thể.
- Thay đổi trong nước tiểu: Đôi khi sự tăng cao thành phần protein vào nước tiểu có thể làm cho nước tiểu trở nên đục, như xuất hiện bọt, một vài bệnh nhân sẽ đi tiểu ít hơn bình thường trong suốt thời gian bệnh.
- Nhiễm trùng: Một số loại protein đặc biệt trong máu đóng vai trò là kháng thể, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Đối với hội chứng thận hư, những protein này bị mất đi, bệnh nhân (nhất là trẻ em) dễ bị nhiễm trùng, thường thấy mệt mỏi, ốm yếu, ăn uống kém đi.
- Cục máu đông: Những protein đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong cơ thể có khả năng bị thất thoát qua nước tiểu ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ gây ra cục máu đông, rất nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch.