Lượt share bài này về trang facebook cá nhân tăng chóng mặt - đa phần là phụ nữ! Phải chăng phụ nữ vẫn đang lấn cấn một điều gì đó trong cách sống, vẫn chưa tìm được hạnh phúc thật sự từ sâu thẳm tâm hồn?
Gái có công chồng chẳng phụ?
Chị Thu Thanh (Q.10) là một phụ nữ đẹp, nhưng không phải là phụ nữ hạnh phúc. Dù đã có tuổi chị vẫn giữ được nét mặn mòi. Nhưng tuyệt nhiên, trên gương mặt chị không hề có một nụ cười. Lầm lũi, chịu đựng dường như là tính cách cố hữu của chị. Người ta thấy chị mở cửa quét sân từ tờ mờ sáng, khi còn chưa tỏ mặt người. Rồi chị luôn tay luôn chân: nấu bữa sáng, đưa con đi học, đi chợ, nấu cơm, đón con về, giặt đồ, ủi đồ…
Mọi chuyện trong nhà đều một tay chị lo. Chị không thuê người giúp việc vì sợ họ nấu ăn không vừa miệng chồng con, ủi đồ không thẳng thớm, lau nhà không sạch sẽ, đưa trẻ đi học không an toàn... Do có tính cầu toàn nên khi lập gia đình, chồng ngỏ lời khuyên chị nên nghỉ việc để chăm sóc nhà cửa, chị gật đầu ngay.
Xếp tấm bằng kỹ sư hóa học hạng ưu vào ngăn bàn, chị bày biện nhà bếp như một vương quốc riêng của mình. Ban đầu, căn nhà của đôi vợ chồng son cũng ríu ran hạnh phúc nhưng dần dà thưa thớt tiếng cười, đôi lần loảng xoảng tiếng chén bể, ly vỡ. Sáng ra hàng xóm vẫn thấy chị quét nhà, đi chợ nhưng nhìn chị như thấy cả một trời chịu đựng qua đôi vai gầy, tấm lưng cũng gầy.
Rồi chị có con, sinh đôi hai bé gái. Niềm vui con trẻ cũng không mang lại ánh sáng cho ngôi nhà vì chồng chị chỉ thích con trai. Một tay chăm con, một tay tiếp tục quán xuyến việc nhà, chị đã gầy lại thêm gầy.
Chị không dám dành chút thời gian, tiền bạc nào để chăm sóc bản thân. Không son phấn lụa là, không đi massage xông hơi, không uốn tóc làm móng, không nghe nhạc, đọc sách… Không một thú vui nào cho bản thân, chị dành tất cả thời gian, tâm trí, tiền bạc chồng đưa về để chăm chút tổ ấm. Chị cũng chắt chiu cả cái sức khỏe ít ỏi của mình để gắng có thai thêm lần nữa, hy vọng sẽ là con trai.
Trời cũng thương người có lòng. Chị có một cậu bé kháu khỉnh. Vậy mà, nhà chị vẫn không có nắng.
“Gái có công chồng chẳng phụ”. Câu ấy không đúng với chị. Chồng chị đi sớm về khuya, ban đầu còn giấu giấu diếm diếm, sau công khai. “Cô nhìn lại cô xem. Có gì hấp dẫn mà không cho tôi tìm người đàn bà khác? Ăn sung mặc sướng ở nhà cô còn muốn gì nữa?”. Anh thẳng thừng. Chị nuốt nghẹn, ôm con đi chỗ khác, để bọn trẻ không phải nghe những lời quá tuyệt tình từ cha chúng. Rồi chị vẫn thế, ngày qua ngày…
Hàng xóm đã góp nhặt từng mảnh chuyện đời chị từ lời kể của mẹ chị. Bà cụ xót con, từ quê lật bật lên thành phố khi nghe chị đổ bệnh. Mà bà cũng chẳng biết khuyên chị thế nào, giúp chị việc gì, vì chính bà cũng đã sống và dạy chị bằng nếp nghĩ: Đối với phụ nữ, chồng con là quan trọng nhất - quý hơn cả bản thân. Bà chỉ biết xoa tấm lưng gầy của con gái: “Thôi thì một sự nhịn chín sự lành. Bây đừng làm bung bét. Con không cha như nhà không nóc”.
|
Ảnh mang tính minh họa. |
Kỹ năng an toàn
Cùng cảnh ngộ như chị Thu Thanh, nhưng Hạnh Nguyên đã “nổi loạn” ngay “phút 89”. Một người bạn thân của Hạnh Nguyên, xót ruột, đã khuyên chị phải thay đổi.
“Đi máy bay, khi gặp sự cố, bạn phải mang mặt nạ dưỡng khí cho mình trước khi quay sang bên cạnh đeo cho con. Trong cuộc sống cũng vậy. Phải biết thương mình trước tiên. Bạn phải lo cho bản thân được vui vẻ, hạnh phúc thì con cái, cha mẹ, gia đình và những người xung quanh bạn mới được “hưởng lây”. Bạn xanh xao, úa tàn thế này lấy đâu ra sinh khí cho gia đình?”.
Hạnh Nguyên như thấm từng lời của bạn. Chị đăng ký học một khóa yoga, dù chồng phản đối kịch liệt: “Yoga với chả yomost! Đàn bà có chồng rồi còn tung tẩy bên ngoài làm chi? Nhà cửa, con cái không lo…”.