... đứt gần lìa do tai nạn lao động, trong đó đứt lìa hoàn toàn mỗi năm là khoảng 8 trường hợp (không tính đứt lìa do chém, không tính đứt lìa bàn tay).
Tai nạn hy hữu
Ngày 3/8, TS.BS Phan Quang Trí, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM cho biết: “Bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một ca tai nạn lao động hy hữu làm tay phải nhưng bị đứt lìa cổ tay trái. Bệnh nhân đã được ê kíp phẫu thuật vi phẫu hơn 4 tiếng đồng hồ để tiến hành loại bỏ nguyên nhân gây nhiễm trùng bằng cách cắt lọc da, gân - cơ, thần kinh, mạch máu bị dập nát, kết hợp xương, nối động mạch, tĩnh mạch dưới kính hiển vi để cứu sống bàn tay - ngón tay, nối thần kinh, gân gấp – gân duỗi các ngón tay”.
|
Các bác sĩ khám cho bệnh nhân T. trước khi ghép da. |
BSCK II Võ Hòa Khánh, Phó trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM, chuyên gia vi phẫu cho biết: “Bệnh nhân là anh Tống Xuân T. (37 tuổi ở quận 12, TPHCM) nhập viện cấp cứu trong tình trạng mất máu, phần đứt lìa cổ tay được sơ cứu (giữ lạnh trong thùng đá) đúng cách. Bệnh nhân sau khi được hồi sức chống sốc mất máu (truyền máu, truyền dịch). Do bệnh nhân T. bị mất máu nhiều nên vừa mổ vừa hồi sức chống sốc mất máu (truyền máu). Sau 2 tuần phẫu thuật bàn tay và các ngón tay bệnh nhân đã sống hoàn toàn, không có dấu hiệu nhiễm trùng vết thương”.
Bệnh nhân Tống Xuân T. cho hay: “Tôi đang làm việc cưa gỗ bằng tay phải, khi cưa xong tôi xoay người qua phải, cổ tay trái vô tình đã vào đúng tầm cưa của máy cưa gỗ, máy cưa gỗ đã cưa đứt lìa cổ tay trái. Mọi người đưa vào bệnh viện cấp cứu. Thật may mắn cho tôi đã kịp đến Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình và được các bác sĩ vi phẫu cứu cánh tay của tôi”.
Điều trị khó khăn
BSCK II Võ Hòa Khánh chia sẻ: “Cái khó khăn khi điều trị những ca đứt lìa cổ tay do tai nạn lao động thường rất khó điều trị so với do bị chém vì: Tổn thương thường bầm dập, kiểu dập phần mềm, lóc da, kiểu tổn thương nhổ bật, vặn xoắn. Tổn tương ban đầu như vậy nên khi khâu nối mạch máu để cứu sống chi thì nguy cơ tắc mạch máu thứ phát cao hơn. Các tổn thương khác như xương, thần kinh và gân cũng vậy, dẫn đến hồi phục chức năng vận động và cảm giác cũng thấp hơn. Vì tổn thương như vậy nên nguy cơ nhiễm trùng sau mổ cũng cao hơn, nếu không khống chế được nhiễm trùng đôi khi phải tháo bỏ phần đứt lìa để tránh nhiễm trùng máu ảnh hưởng đến toàn thân”.
Thời gian hồi phục khi bị đứt lìa chi cũng lâu. Thông thường thời gian theo dõi chi sống tại bệnh viện là từ 7 - 10 ngày, thời gian 2 tuần tiếp theo để chắc chắn không có hiện tượng tắc thứ phát (tổng thời gian là 3 tuần). Thời gian hồi phục chức năng thường lâu dài và rất cần yếu tố vật lý trị liệu bao gồm kích thích điện, siêu âm sẹo, tập vận động thụ động, chủ động... Đối với trường hợp này là do bệnh nhân T. bị lóc da do máy cưa, da lóc bị hoại tử, khi khâu nối đã cắt bỏ nên thiếu da phải ghép da. Hiện bệnh nhân T. đã được ghép da ở vùng cổ tay.
Lưu ý khi bị tai nạn đứt lìa tay
Bình tĩnh băng ép phần đứt lìa hoặc garo cánh tay để giảm thiểu tối đa mất máu và tới nhanh cơ sở y tế gần nhất. Sơ cứu phần đứt lìa của cổ tay, quan trọng nhất là giữ lạnh đúng cách (rửa sạch phần đứt lìa bằng nước sạch, nước muối sinh lý nếu có, quấn băng hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào 1 túi nhựa mỏng, buộc miệng túi lại. Đặt túi vào thùng đá lạnh, chậu chứa đá hoặc cho vào 1 cái túi khác có chứa đá lạnh và chuyển tất cả theo nạn nhân. Thời gian vàng để khâu nối thành công là 6 tiếng nên phải tranh thủ đến bệnh viện ngay.
Mời quý độc giả xem video về tai biến y khoa (nguồn VTV):