Covid-19 không phải cúm mùa

Google News

Covid-19 và bệnh cúm đều có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp. Tuy nhiên, Covid-19 còn gây ra nhiều biến chứng khác nguy hiểm hơn cúm mùa.

Trong đại dịch Covid-19, chúng ta có thể đã nghe nói rằng bệnh này tương tự cúm mùa. Nhìn bề ngoài, Covid-19 khá giống với bệnh cúm theo mùa. Đây đều là những bệnh lây truyền qua đường hô hấp giữa những người tiếp xúc gần (trong vòng 2 m) thông qua các giọt bắn đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho. Những giọt bắn này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của người gần đó hay được hít vào.

Cả hai đều có thể gây ra các triệu chứng như sốt và đau nhức cơ thể, gây tử vong nhiều hơn cho những người trên 65 tuổi. Với các đặc điểm và triệu chứng có vẻ giống nhau, có những quan điểm cho rằng bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra như một bệnh cúm mùa thông thường.

Những quan điểm sai lầm

Trong khi hầu hết mọi người suốt 2 năm qua cố gắng tránh Covid-19, một số người có tâm lý trước sau gì cũng mắc bệnh, không muốn sống trong trạng thái lo sợ. Thậm chí, một số người chủ quan vào việc đã tiêm chủng vaccine và mũi tăng cường, họ tiếp xúc nhiều hơn và không còn tuân thủ quy tắc 5K.

Bên cạnh đó, không ít người còn cố ý mắc bệnh, họ nghĩ rằng sẽ tạo được miễn dịch tự nhiên cho cơ thể và tránh các tác dụng không mong muốn khi tiêm vaccine. Hoặc có người suy nghĩ rằng đã mắc Covid-19 thì trở thành "bất tử", không có khả năng tái nhiễm và sinh hoạt bình thường như chưa có gì xảy ra.

Quan điểm sai lầm này còn lan tỏa nhanh hơn khi có sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Họ cho rằng tiếp xúc với biến thể mặc dù dễ lây lan nhưng kèm theo triệu chứng nhẹ thì có thể tạo cơ chế tự miễn dịch cho cơ thể.

Iwasaki, nhà miễn dịch học, Đại học Yale (Mỹ), cho rằng không cần thiết phải tìm kiếm nhiễm trùng để tìm miễn dịch. Bạn có thể nhận được những lợi ích tương tự từ vaccine và mũi tiêm tăng cường, được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Thêm vào đó, khả năng miễn dịch tự nhiên suy giảm theo thời gian và không có gì đảm bảo rằng việc đã nhiễm biến thể Omicron sẽ bảo vệ bạn khỏi biến thể không xác định tiếp theo có thể sắp xảy ra.

Iwasaki nói: "Chúng tôi biết rằng mũi tiêm tăng cường tạo ra các kháng thể khá mạnh, thậm chí chống lại Omicron". Ông cho rằng Covid-19 không phải là bệnh cúm theo mùa. Covid-19 và cúm do các loại virus khác nhau gây ra. Covid-19 do một loại coronavirus mới gọi là SARS-CoV-2 gây ra được xác định lần đầu tiên vào năm 2019, trong khi bệnh cúm do virus cúm A và B.

Covid-19 khong phai cum mua

Người dân Hà Nội đi siêu thị. Ảnh: Thạch Thảo.

Một trong những thách thức lớn nhất của SARS-CoV-2 là nó hoàn toàn mới, còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về nó như cách lây lan, cách lây nhiễm sang người, cách gây ra những tổn thương trong cơ thể, cách hệ thống miễn dịch phản ứng với nó. Trong khi đó, bệnh cúm theo mùa đã xuất hiện từ lâu nên các nhà khoa học và nhân viên y tế biết rất nhiều về nó, bao gồm cả cách tốt nhất để điều trị cho những người mắc bệnh.

Mối đe dọa

Gánh nặng lên hệ thống y tế

Covid-19 đặc biệt là biến chủng mới Omicron dễ lây lan hơn và lây nhanh hơn bệnh cúm, mọi sự lây nhiễm đều có thể gây ra hiệu ứng Domino. Mỗi người bị bệnh với Covid-19 đều có thể lây nhiễm cho những người khác, bao gồm người lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền, trẻ em chưa đủ tuổi để được tiêm chủng hoặc trường hợp chưa được bảo vệ bởi vaccine.

Bên cạnh đó, tác động của Covid-19 đối với các bệnh viện là một trong những lời nhắc nhở rõ ràng nhất rằng đây không chỉ là một bệnh cúm thông thường. Cúm theo mùa xảy ra hàng năm và hầu hết bệnh viện đều có thể điều trị kịp thời cho những bệnh nhân nhập viện vì bệnh.

Nhưng như chúng ta đã thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới, sự bùng phát của coronavirus có thể dẫn đến số lượng lớn người dân cần phải nhập viện cùng một lúc dẫn đến sự quá tải của các bệnh viện (sự thiếu hụt nhân viên y tế, máy thở, vật tư phục vụ cho việc chống dịch). Số lượng bệnh nhân quá lớn đặt gánh nặng lên hệ thống chăm sóc y tế vốn đã quá tải càng thêm quá tải, dẫn tới sự đứt gãy trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta.

Biến chứng nghiêm trọng của Covid-19

Ngoài ra, các xét nghiệm hiện nay không phân biệt được các chủng khác nhau, không có cách nào để biết mình đang tiếp xúc với biến chủng Omicron hay Delta vẫn còn hoành hành và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Covid-19 khong phai cum mua-Hinh-2

Covid-19 có thể gây ra các biến chứng khác nguy hiểm hơn so với cúm. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Covid-19 và bệnh cúm đều có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, suy hô hấp, hội chứng suy hô hấp cấp tính, suy đa cơ quan, nhiễm trùng thứ phát... Bệnh nặng như tổn thương phổi xảy ra với bệnh nhân Covid-19 nhiều hơn so với bệnh cúm.

Ngoài ra, Covid-19 có thể gây ra các biến chứng khác nguy hiểm hơn so với cúm, chẳng hạn như cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch phổi, tim, chân hoặc não và hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) và ở người lớn (MIS-A).

Tỷ lệ tử vong với Covid-19 cũng cao hơn so với bệnh cúm. Theo báo cáo của CDC Mỹ, đến nay, hơn 38 triệu người đã mắc Covid-19, trong đó hơn 630.000 người đã chết vì Covid-19 ở Mỹ vào năm 2020 và 2021.Trong khi đó, trong mùa cúm 2019-2020 ở Mỹ, khoảng 38 triệu người bị cúm và khoảng 22.000 người chết vì cúm.

Hậu Covid-19 có thực sự nguy hiểm?

Hiện nay, nhiều bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 đã gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài ít nhất 6 tháng sau khi nhiễm bệnh, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Những triệu chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai đã từng bị Covid-19, ngay cả khi bệnh nhẹ hoặc không có biểu hiện triệu chứng ban đầu.

Tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.

Hậu Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và cho xã hội.

Mọi người thường cho biết họ gặp các triệu chứng như mệt mỏi; thở gấp hoặc khó thở; ho; chóng mặt; đau khớp; tức ngực, nhịp tim nhanh hoặc đánh trống ngực; các vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung hoặc giấc ngủ; đau cơ hoặc đau đầu; mất mùi vị; trầm cảm hoặc lo lắng; rối loạn chu kỳ kinh nguyệt; suy giảm thể lực.

Tóm lại, tâm lý chủ quan, xem nhẹ Covid-19 như cúm mùa thông thường và ý nghĩ muốn mắc bệnh của một số người dân sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến miễn dịch cộng đồng và hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Bạn có thể trải qua những triệu chứng Covid-19 nhẹ nhàng nhưng điều đó không có nghĩa rằng khi bạn lây bệnh cho người khác, họ có thể sẽ không gặp nguy hiểm. Bạn bảo vệ bản thân cũng chính là bảo vệ gia đình, những người xung quanh bạn và xã hội.

Bài viết do tiến sĩ, dược sĩ Phạm Đức Hùng, (chuyên gia về miễn dịch và truyền nhiễm), Bệnh viện Cincinnati, Ohio, Mỹ; Dược sĩ Ngô Phan Thuận Hiển (tốt nghiệp khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM); Phan Tú Nhi (sinh viên khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM), cung cấp thông tin.

Theo Đức Hùng, Thuận Hiển, Tú Nhi/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)