Bác sĩ Phạm Văn Thọ, chuyên khoa Tai Mũi Họng, tại Hà Nội, cho biết, ông đã thấy nhiều trường hợp F0 tại nhà có các phương pháp điều trị không đúng khoa học, ví dụ như sau.
Khò họng bằng nước muối nóng đậm đặc
Nhiều người cho rằng nhiệt độ càng cao và nồng độ nước muối càng đặc sẽ có tác dụng tiêu diệt virus, song điều này hoàn toàn sai lầm.
"Việc dùng nước quá nóng quá sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lớp niêm mạc họng, miệng. Nước muối mặn sẽ hút nước tế bào niêm mạc, làm teo và chết tế bào niêm mạc. Cả hai điều này gộp lại, khiến chúng ta bị đau rát họng và khó chịu. Khi lớp màng này tổn hại, hàng rào miễn dịch bảo vệ đầu tiên của cơ thể bị tổn thương. Khi ấy vi khuẩn, virus sẽ càng tấn công người bệnh", bác sĩ Thọ lý giải.
Bác sĩ Thọ khuyên người bệnh nên ăn chín, uống sôi ở nhiệt độ tầm 30-35 độ C là hợp lý. Ở điều kiện này, không gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, giúp cho hàng rào bảo vệ vững chắc nhất.
Không nên dùng nước muối ưu trương (dung dịch nước muối được pha với nồng độ muối cao) hàng ngày để súc họng. Nên pha nước muối sinh lý để dùng. Cách pha như sau: hai thìa cà phê muối tinh (mỗi thìa 5 g), cho vào một lít nước đun sôi, để nguội và khuấy đều, ta được nước muối 1% (khoảng với 0,9%). Súc họng, khò họng ngày hai lần, sáng ngủ dậy và tối trước khi lên giường.
Uống nhiều nước chanh, gừng mỗi ngày
Lời khuyên này không hoàn toàn sai, vì đây là cách bổ sung vitamin C tự nhiên hữu ích. Tuy nhiên, điều này không có tác dụng lớn vào việc phòng chống virus. Mỗi ngày chúng ta uống một cốc nước chanh nhỏ cũng là nhiều, thế nhưng có những người uống 4-5 cốc pha thêm gừng. Do đó sau khi uống có cảm giác cồn cào ruột gan, bụng chướng, viêm dạ dày cấp.
Theo bác sĩ Thọ, người bệnh không nên uống quá nhiều nước chanh, gừng. Vài ngày uống một cốc nước chanh nhỏ, không dùng gừng và nên uống cách giờ uống thuốc ít nhất 2-3 tiếng để tránh môi trường axit phá hỏng tác dụng của thuốc.
Cùng quan điểm, bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, chia sẻ: Chanh chứa hàm lượng lớn vitamin C và các vitamin khác như B1, riboflavin... Tuy nhiên vị chua từ chanh gây ảnh hưởng đến người có bệnh lý dạ dày do tăng lượng axit.
"Việc uống nhiều nước chanh với lượng vitamin C sẽ kích thích đi tiểu nhiều lần, khiến người mệt mỏi", bác sĩ Ngân nói.
Gừng tươi dùng chữa cảm, bụng đầy trướng, tiêu chảy, ho có đờm. Tính cay nóng của gừng (nếu dùng quá nhiều) cũng sẽ tác động đến dạ dày và tiêu hóa, đôi khi khiến người dùng bị táo bón, đi cầu cảm giác nóng rát hậu môn.
Ngoài ra, nhiều người còn uống hỗn hợp chanh, gừng, kèm sả. Sả có thành phần chủ yếu là tinh dầu giúp hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều sả như nấu thành nước uống thay nước lọc sẽ làm tăng cảm giác nóng vùng dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày - thực quản, nóng và đổ ghèn hai mắt.
"Việc nấu nước sả với đường phèn nếu sử dụng lượng nhiều sẽ tăng cảm giác khát nước, nguy cơ tăng đường huyết ở những người có bệnh lý về rối loạn đường huyết", bác sĩ Ngân lưu ý.
Bổ sung vitamin C dạng uống quá liều mỗi ngày
Nhiều người đang bổ sung vitamin C chế phẩm uống quá liều. Với thể trạng người Việt Nam, nếu bổ sung lượng 1g/ngày là quá nhiều dẫn đến tiêu chảy, khi đó sẽ dễ nhầm lẫn là triệu chứng do Covid-19 gây ra.
Theo bác sĩ Thọ, người bệnh không nên kỳ vọng quá nhiều vào vitamin C. Hệ miễn dịch là một bộ tinh vi, cần nhiều yếu tố để hoạt động trơn tru. Về mặt dinh dưỡng cần đa dạng vitamin A, B, C, D, E... và các khoáng chất Fe, Cu, Zn, Ca... Về mặt nội tiết, hormone tuyến ức, hormone tuyến thượng thận, tuyến giáp... đóng vai trò tiên quyết.
"Vì vậy, muốn hệ miễn dịch hoạt động tốt, mọi thứ phải được bổ sung khoa học, đầy đủ, cân bằng. Bổ sung không đúng làm hại các bộ phận tiếp nhận như dạ dày, ruột; các bộ phận xử lý gan mật, tụy; bộ phận đào thải thận, da. Hậu quả là tổn thương toàn bộ cơ thể", bác sĩ Thọ phân tích.
Phơi nắng buổi trưa
Nhiều F0 thực hiện theo lời khuyên trên mạng xã hội, tắm nắng 15-20 phút vào lúc 10-11h mỗi ngày. Theo bác sĩ, lời khuyên này không rõ để giúp diệt virus hay bổ sung vitamin D3 nhưng nhìn chung không hợp lý. Vì với người bệnh Covid-19 có triệu chứng cảm sốt, thể trạng yếu hơn bình thường (đang phải chống chọi với virus), lại đứng dưới nắng sẽ càng khiến cơ thể mệt mỏi, say nắng.
Xông tinh dầu nhiều lần trong ngày
Theo bác sĩ Phạm Ánh Ngân, trong những ngày thành phố chuyển mùa mưa, xông phòng bằng các loại tinh dầu sẽ đem lại cảm giác dễ chịu, giúp giảm hơi ẩm thấp của môi trường tác động lên cơ thể và không gian xung quanh. Các loại tinh dầu có tác dụng thư giãn, bớt căng thẳng trong những ngày đối phó với dịch. Song xông trực tiếp tinh dầu từ hai lần trở lên trong ngày cộng với luồng khí trực tiếp từ máy xông sẽ khiến niêm mạc đường hô hấp trở nên nhạy cảm, tạo cảm giác khô rát hoặc tăng tiết dịch nhầy nhiều sau khi xông.
"Vì vậy, không nên 'xông để diệt virus' nhiều lần trong ngày, khiến da và niêm mạc trở nên nhạy cảm", bác sĩ Ngân nhấn mạnh
Tẩm dầu gió xanh, dầu tràm, dầu khuynh diệp lên khẩu trang cũng không có tác dụng ngừa virus. Các thành phần trong dầu như: Menthol 5% (tinh chất bạc hà), Methyl Salicylate 6%, Eucalyptus Oil 56% (dầu khuynh diệp) tạo cảm giác tươi mát, tuy nhiên không có nghiên cứu chứng minh tác dụng bất hoạt virus.
Sử dụng oxy liều cao không phù hợp
Nhiều F0 cứ thấy hơi khó thở chút là đã tìm đến thở oxy nghĩ rằng điều đó sẽ tốt cho hô hấp. Tuy nhiên đó là suy nghĩ quá sai lầm. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng: Oxy không điều trị được khó thở, oxy chỉ giúp cải thiện tình trạng hạ oxy máu. Đồng thời, oxy không điều trị được các nguyên nhân gây hạ oxy máu. Thở oxy phải đi kèm điều trị nguyên nhân gây tổn thương phổi.
Thở oxy liều cao không phù hợp sẽ làm tăng oxy máu quá mức, cũng nguy hiểm không kém gì hạ oxy máu. Tình trạng tăng oxy máu sẽ làm ức chế trung tâm hô hấp, làm F0 giảm thông khí (giảm tần số, giảm biên độ hô hấp... hiểu đơn giản là không chịu thở). Lúc này F0 có thể bị phụ thuộc vào oxy, làm nặng thêm tình trạng mất cân bằng khí máu. Phổi có thể bị xẹp, mạch vành và mạch máu não có thể bị co thắt, lượng máu cung cấp cho tim bị giảm, hoặc các oxy gốc tự do sẽ phá hủy tế bào...
Thậm chí, tăng oxy máu quá mức có thể làm diễn tiến xấu đi đối với những người có nguy cơ suy hô hấp type 2 (phổi mạn tính), làm chậm nhận biết các diễn tiến lâm sàng đang xấu đi, vì bị che lấp bởi chỉ số SpO2 bình thường hoặc cao. Nghiêm trọng hơn, tăng oxy máu quá mức còn làm tăng nguy cơ không qua khỏi của một số nhóm như: Tai biến mạch máu não nhẹ và vừa, ngưng tim, những người nằm nằm hồi sức tích cực...
Vậy nên bác sĩ khuyến cáo: Nếu muốn thở oxy, và thở oxy bao nhiêu lít/phút, người bệnh hoặc thân nhân phải hỏi bác sĩ để được chỉ định và hướng dẫn chi tiết.