Trẻ có thể bị lùn do thừa canxi
Lương y Phúc Toàn Anh (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, can xi là một vi chất dinh dưỡng cần thiết cho xương chắc khỏe, thúc đẩy chiều cao. Nhưng nếu sử dụng can xi quá liều, hoặc dùng không đúng cách dễ gây sỏi thận mãn tính.
Theo BS Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bổ sung can xi cho bé ngay từ khi còn nhỏ là việc làm cần thiết. Nhưng nhiều người cho rằng bổ sung can xi nhiều con càng cao lớn, mà không biết thừa can xi trẻ có nguy cơ bị vôi hóa thận, sỏi thận, giảm chức năng thận, giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, kẽm, magie, phospho... khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Cũng theo BS Nguyễn Văn Tiến, nếu thừa can xi từ nguồn thực phẩm sẽ được thải ra ngoài qua đường tiểu. Nhưng thừa canxi từ nguồn thuốc rất khó đào thải ra ngoài, mà tích tụ gây sỏi thận, tăng canxi máu, táo bón, buồn nôn, ăn không ngon, đau xương... Đáng lo ngại là trẻ có thể bị lùn do thừa can xi, do hàm lượng can xi trong máu tăng cao có thể đi vào xương nhiều hơn, làm cứng cốt sớm và hạn chế sự phát triển xương, ảnh hưởng tới phát triển chiều cao.
|
Nên bổ sung canxi cho trẻ bằng nguồn thực phẩm. Ảnh minh họa |
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị thừa canxi
Theo lương y Phúc Toàn Anh, trẻ thừa can xi nhẹ có thể bị táo bón, mệt mỏi, buồn nôn, biếng ăn… Nếu uống can xi quá liều trẻ sẽ bị khát nước, đi tiểu nhiều, buồn nôn, rối loạn nhịp tim. Lúc này cần khuyến khích trẻ uống thật nhiều nước để làm giảm nồng độ can xi trong máu, nếu tình trạng xấu hơn cần vào viện ngay.
Nếu thừa can xi nặng có các dấu hiệu như đau xương, đau cơ, đi tiểu nhiều…
Việc bổ sung can xi thường đi kèm vitamin D để tăng hiệu quả hấp thu, và thừa vitamin D đặc biệt nguy hại ở trẻ sơ sinh, vì dễ biến chứng nặng, lâu ngày sẽ tích luỹ thuốc khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, bàng quang, luôn khát và tiểu nhiều. Trẻ bị thừa vitamin D còn dễ bị màng che kết mạc, viêm giác mạc dải băng (cần phẫu thuật ngay), thậm chí khiến trẻ ngộ độc cấp nếu cha mẹ tùy tiện cho con uống dài ngày can xi chứa vitamin D liều cao (liều lượng 50.000 IU có thể khiến trẻ suy thận, tử vong).
Nhu cầu can xi của cơ thể thay đổi theo lứa tuổi, và phụ thuộc vào quá trình phát triển xương của mỗi người. Bổ sung can xi bằng thuốc là trường hợp đặc biệt, cần có y lệnh của bác sĩ.
Thực phẩm nào bổ sung canxi tốt cho cơ thể?
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm), các mẹ nên cho con ăn thực phẩm giàu can xi vì rất ít nguy cơ bị thừa canxi qua chế độ ăn. An toàn và hiệu quả nhất là hằng ngày cho trẻ ăn các thực phẩm giàu can xi như:
- Sữa, chế phẩm từ sữa (pho mai, sữa chua...), trứng, yaourt (sữa chua), nên dùng 2 - 3 hũ/ngày, hoặc thay sữa bò bằng sữa đậu nành…
- Các loại đậu, chuối, kiwi, hạt dẻ, quả ô liu, hạnh nhân, quả vải, đỗ tương, vừng, bột yến mạch, trứng, cua, ốc, hến, tôm, tép, ốc, cá biển (cá mòi, cá hồi), cá trạch làn, các loại thức ăn nhiều đạm… rất giàu can xi.
- Các loại rau giàu canxi tự nhiên là rau màu xanh sậm (cải soong, cải ngọt, rau dền, rau dấp cá, đậu xanh (cô ve)...
- Các loại trái cây có múi như bưởi, cam…
Với trẻ sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi), sữa mẹ là nguồn bổ sung can xi dồi dào và dễ hấp thụ nhất. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để được cung cấp đủ lượng canxi cần thiết.
Với trẻ ăn dặm, mẹ tăng cường các thực phẩm giàu canxi vào thức ăn.
Mức can xi cần cung cấp cho cơ thể: Trẻ còn bú: 400 mg/ngày. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 600 mg/ngày. Trẻ từ 4 đến 9 tuổi: 700 mg/ngày. Trẻ 10 đến 12 tuổi: 1000mg/ngày. Thanh niên 13 đến 19 tuổi: 1200 mg/ngày. Người lớn: 900 mg/ngày. Phụ nữ mãn kinh: 1200-1500 mg/ngày. Người già: 1200-1500 mg/ngày để xương chắc hơn.
Lưu ý, khi dùng thực phẩm giàu canxi, hoặc uống canxi, cần tránh kết hợp với soda, thực phẩm giàu phospho, acid béo no... vì chúng sẽ bài thải nguồn canxi vừa ăn.
Hạn chế ăn chung với rau củ quả có vị chát, ngũ cốc nguyên vỏ, thực phẩm có chứa oxalate (như socola, trà, nước ép hoa quả...) vì chúng hạn chế hấp thu canxi.
Việc tắm nắng hằng ngày rất tốt cho trẻ hấp thu canxi, phòng tránh còi xương. Khoảng 9 giờ nên cho trẻ ra tiếp xúc với nắng buổi sáng, tùy tuổi và sức khỏe của trẻ mà cho trẻ tắm nắng 10 – 30 phút.
Xử lý khi thừa canxi và phòng tránh sỏi thận
Theo lương y Phúc Toàn Anh, để phòng tránh sỏi thận khi thừa can xi, cần ăn nhiều dứa (trái thơm), đu đủ xanh luộc, rau sam, rau ngò, râu ngô, mã đề, nước dừa, kim tiền thảo và quả sung (quả sung không dùng cho phụ nữ có thai).
Bí quyết phòng sỏi thận nữa là uống can xi xong, sau 1 giờ trở lên thì uống thêm nước dừa để đào thải bớt can xi.
Mong con cao lớn, nhưng các mẹ bổ sung can xi không đúng cách sẽ gây hại cho con. Các mẹ không tùy tiện bổ sung can xi, vitamin theo sự mách bảo, hay trào lưu, mà cần được bác sĩ khám xem cơ thể thiếu chất gì mới bổ sung chất đó. Ở thời điểm này thuốc có thể bổ với trường hợp này, nhưng thời điểm khác, trường hợp sức khỏe khác thì lại thành thuốc độc.
Để can xi không bị đào thải khỏi cơ thể, ngoài chế độ dinh dưỡng khoa học, cần tăng cho trẻ hoạt động thể dục thể thao đều – là cách giúp trẻ phát triển chiều cao lý tưởng.
Lưu ý để bổ sung canxi an toàn
- Vitamin D trong thuốc bổ sung can xi tăng khả năng hấp thụ can xi, định hướng can xi vào xương, hạn chế nguy cơ sỏi thận. Nhưng một số biệt dược chỉ có can xi mà không có vitaminD, vì vậy cần tìm hiểu kỹ để dùng đúng.
- Nếu bác sĩ kê đơn bổ sung can xi, cần kiểm tra việc hấp thu 2 tháng/lần, nếu cơ thể thừa can xi thì cần ngưng tất cả các nguồn cung can xi và vitamin D. Đồng thời uống nhiều nước để bù nước. Tăng cường vận động để tăng khả năng hấp thụ can xi và phân bố đều trong cơ thể.
- Bổ sung can xi chỉ tốt khi uống buổi sáng, trưa, sau bữa ăn khoảng 1 giờ. Không nên uống buổi chiều, tối vì sẽ gây khó ngủ. Cơ thể ít vận động sẽ dễ bị lắng đọng tích tụ, có thể gây cặn sỏi thận.
- Trẻ bổ sung can xi nên chia thành nhiều lần uống trong ngày để dễ hấp thu, tránh ngộ độc.
(Theo lương y Phúc Toàn Anh, Hội Đông y Hà Nội)