Theo Stheadline, cô gái được phát hiện nằm bất tỉnh bên giường tại nhà riêng. Sau khi đội cấp cứu đến hiện trường, họ tiến hành kiểm tra lượng đường trong máu, huyết áp và độ bão hòa oxy máu của người phụ nữ nhưng không đo được các chỉ số.
Sau khi đến bệnh viện, nữ bệnh nhân được phát hiện có lượng đường trong máu là 44,7 mmol/L, cao gấp 8 lần so với mức bình thường. Đường huyết bình thường của một người khi chưa ăn no phải thấp hơn 5,6 mmol/L mới là mức an toàn.
Ngoài ra, cô gái còn được chẩn đoán bị biến chứng đái tháo đường nặng như nhiễm toan ceton, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, sốc và hôn mê. Do tình trạng sức khỏe kém lạc quan, người bệnh phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi và điều trị.
Sau 10 giờ cứu chữa, cô gái qua khỏi cơn nguy kịch, ý thức dần phục hồi và chức năng thận cải thiện.
Nữ bệnh nhân nói trên có thói quen ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh. Do công việc bận rộn và không có thời gian nấu nướng, cô gái ngày ba bữa đều ăn thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và uống các loại nước trái cây nhiều đường để giải khát.
Không chỉ vậy, cô gái lại ít vận động. Lối sống và chế độ ăn không tốt cho sức khỏe nói trên đã khiến cô mắc bệnh tiểu đường nhưng không hay biết.
|
Do công việc bận rộn và không có thời gian nấu nướng, cô gái ngày ba bữa đều ăn thức ăn nhanh, uống nước ngọt. Ảnh minh họa: Pexels. |
Theo Stheadline, không chỉ người béo phì, người gầy cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Tám triệu chứng của bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu là thường xuyên khát nước, tiểu nhiều, luôn có cảm giác đói và thèm ăn, sụt cân bất thường, dễ mệt mỏi, vết thương lâu lành, mắt mờ, ngứa da.
Bệnh tiểu đường nếu không được điều trị có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng làm suy giảm chức năng cơ thể như bệnh lý tim mạch, đột quỵ, suy thận, mù lòa và làm suy giảm khả năng vận động.
Hiện, vẫn chưa có cách nào để phòng ngừa tiểu đường type 1. Tuy nhiên, nếu có lối sống lành mạnh, bạn có thể cải thiện tình trạng tiền tiểu đường, tiểu đường type 2 và tiểu đường thai kỳ như:
- Có chế độ ăn uống ít chất béo, ít calo và giàu chất xơ.
- Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Duy trì chế độ ăn uống đa dạng và tránh ăn quá nhiều một loại thực phẩm.
- Tăng cường vận động, tập thể dục thể thao.
- Giảm cân đối với người thừa cân, béo phì. Nếu bạn thừa cân, việc giảm 7% trọng lượng cơ thể có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Với bệnh nhân mắc tiểu đường, người bệnh cần lưu ý đến chế độ ăn uống, tránh nạp vào cơ thể quá nhiều đường (carbohydrate) gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.