“Hiện bệnh nhân chưa ăn được nhiều, mỗi bữa dùng được khoảng 1/4 phần ăn nên vẫn tiếp tục được truyền dung dịch đạm. Khi tiếp nhận từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân nặng 88kg. Sau thời gian điều trị tại BV Chợ Rẫy, bệnh nhân còn khoảng 80 kg. Chúng tôi đang cố gắng giúp bệnh nhân ăn nhiều hơn để mau lấy sức”, điều dưỡng Thắm chia sẻ trên báo Pháp luật TP HCM về bệnh nhân phi công người Anh.
BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu thuộc BV Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị và theo dõi sức khỏe hàng ngày của bệnh nhân 91, cũng chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy hiện giờ bệnh nhân đã có thể tự cạo râu, đánh răng, nhấn bàn phím điện thoại… Điều này cho thấy hoạt động của hai bàn tay bệnh nhân đã trở về bình thường”.
“Riêng cơ chân đã phục hồi 4/5, bệnh nhân có thể nhấc chân lên cao và chịu lực trên khung đứng dưới sự hỗ trợ của nhân viên vật lý trị liệu”, BS Linh nói thêm.
“Đa phần người châu Á ăn sáng tầm 5h, ăn trưa 11h và ăn tối lúc 17h. Thế nhưng bệnh nhân ngủ tới 8h mới dậy, đánh răng rồi ăn sáng. Giờ ăn trưa của bệnh nhân là 14h và ngồi vào bàn ăn tối lúc 20h. BV phải mời đầu bếp là người châu Âu để nấu nướng những món theo yêu cầu của bệnh nhân. BV thực hiện tất cả mong muốn để làm vui lòng bệnh nhân “hơi khó tính” này” - BS Linh nói vui.
Ngoài ra, bệnh nhân 91 cũng hơi bướng bỉnh khi không chịu ăn và ngại vận động nên y, bác sĩ phải thường xuyên thủ thỉ thuyết phục, nắm tay động viên người bệnh với câu nói quen thuộc “Be stronger” (Mạnh mẽ lên). Sau khi được giải thích từng chút, cặn kẽ, bệnh nhân cũng dần hiểu ra và hợp tác dễ dàng hơn. Hiện tại, bệnh nhân đã thoải mái hơn rất nhiều, nhất là với những người gần gũi chăm sóc mình hằng ngày. Đặc biệt, anh còn chia sẻ về dự định trong tương lai của mình khi xuất viện là sẽ chở các y, bác sĩ đã chăm sóc cho mình trên chuyến bay do chính mình lái.
|
BV Chợ Rẫy phải mời đầu bếp là người châu Âu để nấu nướng những món theo yêu cầu của bệnh nhân phi công người Anh. |
Còn kỹ thuật viên vật lý trị liệu và phục hồi chức năng BV Chợ Rẫy Trần Đức Duy cho biết do nằm lâu nên tay chân bệnh nhân yếu. Hiện bệnh nhân được tập vật lý trị liệu mỗi ngày và có thể tự đứng lên ngồi xuống, tay co ra co vào. Tuy nhiên, do bệnh nhân nằm một chỗ khá lâu nên ảnh hưởng không ít đến cơ và khớp. Vì vậy, mỗi khi nhân viên tập vật lý trị liệu vô tình mạnh tay là bệnh nhân than đau. Do đó, nhân viên vật lý trị liệu luôn chú ý thao tác hết sức nhẹ nhàng.
“Chúng tôi cũng thường xuyên để bệnh nhân ngồi trên xe lăn và đưa đi phơi nắng. Có lần bệnh nhân đề nghị đưa tấm bảng và cây viết rồi viết: “Vui lòng đưa tôi đi phơi nắng vào sáng sớm hoặc chiều tối chứ buổi trưa nắng nóng quá”. Lúc đó chúng tôi nhìn nhau, cười tủm tỉm”, anh Duy kể.
“Điều đáng mừng là hiện bệnh nhân có thể tự đi vài bước với sự trợ giúp của dụng cụ và nhân viên vật lý trị liệu”, anh Duy cho biết.
Báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tình hình bệnh nhân, hiện sức khỏe bệnh nhân tri giác tỉnh hoàn toàn; sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ hai chân; phổi cải thiện trên 85%, đã ngưng ô xy, thở khí phòng.
Bệnh nhân đã tự ăn uống trên giường bệnh. Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức nặng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để đảo có thể đi lại an toàn khi di chuyển.
Mời độc giả theo dõi video "Bảo hiểm xã hội sẽ trả tiền khám, xét nghiệm Covid-19". Nguồn: VTC14.
Tại cuộc hội chẩn quốc gia lần thứ 5 về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91- nam phi công đã diễn ra chiều ngày 22/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Việc đưa bệnh nhân nam phi công về nước chỉ thực hiện khi đảm bảo đủ các yêu cầu an toàn người bệnh.
Đánh giá về tình trạng bệnh nhân nam phi công, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hiện giờ bệnh nhân có đủ điều kiện ra khỏi khoa hồi sức tích sực, bệnh nhân có thể hít thở khí trời, tình trạng cơ lực chân tay đã cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên để đảm bảo điều kiện an toàn tốt nhất cho người bệnh, Tiểu ban điều trị đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục sử dụng các biện pháp hồi sức để nâng cao hơn nữa thể trạng trạng đảm bảo để bệnh nhân có điều luyện tập hít thở tốt hơn, đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường điều trị vết loét tại khoa Hồi sức tích cực.
Từng là người bệnh COVID-19 nặng nhất, thời gian điều trị dài nhất và để neo sự sống cho ông, cả ngành y tế Việt Nam phải dồn một lực lượng chuyên gia đông đảo nhất. Chỉ với những "cái nhất" này, chắc chắn nam phi công là một bệnh nhân đặc biệt. Sự đặc biệt còn thể hiện ở cái cách mà bệnh nhân này vượt qua "vòng tử sinh".
Quả thật phải nói đây là ca bệnh vô cùng đặc biệt, sự phục hồi vô cùng ngoạn mục. Hành trình điều trị cho bệnh nhân này là câu chuyện dài chưa kể. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, diễn biến bệnh của bệnh nhân ngày một xấu đi, có lúc phổi đã đông đặc đến gần 90%...
"Nhưng rồi điều kỳ diệu đã đến, để đạt được kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay, đơn vị còn lập nhóm hội chẩn online 24/24 giờ. Khi bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào, nhóm lập tức được "kích hoạt" bất kể ngày đêm, giờ giấc để đưa ra các phương án tối ưu. "Duy trì sự sống cho bệnh nhân 91 như là mệnh lệnh trái tim của tất cả các nhân viên y tế", BSCK II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định.