Tia cực tím cao ở Hà Nội: Cách “che chắn” tránh bệnh hiểm về da

Google News

(Kiến Thức) - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo ngày 22-24/6, chỉ số tia cực tím (UV) ở Hà Nội có giá trị từ 8-9, mức nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người, đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới làn da.

Trong ngày 22-24/6, chỉ số tia cực tím (UV) ở Hà Nội có giá trị từ 8-9 với mức nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo khi chỉ số tia UV mức 8-10, nếu ở ngoài nắng khoảng 25 phút có thể bị bỏng da. Khi chỉ số tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ. Tia UV ở mức 12 rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Tia cuc tim cao o Ha Noi: Cach “che chan” tranh benh hiem ve da
Tia cực tím có thể gây nguy hại đến làn da, khiến da khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Ảnh: Internet. 
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời, quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da.
Theo bác sĩ Vũ, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Da bị bỏng nhiệt sẽ phồng rộp, đỏ, đau.
Bác sĩ Lê Đức Thọ, chuyên khoa Da liễu, cho hay, bức xạ tia cực tím hay các bức xạ khác có trong ánh sáng mặt trời rất nguy hại đến làn da vì đây là bộ phận ảnh hưởng trực tiếp. Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài, da có thể gặp các vấn đề như sạm, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm.
ThS.BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết tia cực tím có thể gây hại cho da bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, da bị tác động nhiều hơn vào những tháng mùa hè, nắng nóng cao điểm khi mức độ tiếp xúc của chúng ta cao hơn.
Cách chăm sóc da mùa nắng
Vào những ngày hè, ánh nắng mặt trời trở nên chói chang gay gắt, rất dễ gây ra sốc nhiệt, ảnh hưởng lớn đến da và mắt nếu không được bảo vệ cẩn thận. Để tránh tác động tiêu cực từ tia cực tím, chúng ta nên lựa chọn những biện pháp bảo vệ phù hợp với bản thân để chủ động bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Mời độc giả xem video "Bí quyết làm đẹp của sao Việt". Nguồn: VTC.

Việc chăm da sóc đúng cách vào mùa hè rất quan trọng để có làn da khỏe, đẹp. Đặc biệt, với sự thay đổi của thời tiết, mọi người cần chủ động theo dõi tình trạng da và thay đổi chăm sóc.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi chỉ số tia cực tím từ 3 trở lên phải mặc áo chống nắng, đeo kính râm, khẩu trang khi đi ra đường, đội mũ rộng vành để che chắn bảo vệ cơ thể khỏi ánh nắng mặt trời nói chung và tia cực tím nói riêng. Đặc biệt, là tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10 – 16h.
Đeo kính râm bảo vệ mắt. Lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99 - 100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh.
Tia cuc tim cao o Ha Noi: Cach “che chan” tranh benh hiem ve da-Hinh-2
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi chỉ số tia cực tím từ 3 trở lên phải mặc áo chống nắng, đeo kính râm, khẩu trang khi đi ra đường. Ảnh: Internet. 
Để bảo vệ da khỏi những tác động xấu của ánh nắng mặt trời, chúng ta phải biết lựa chọn kem chống nắng thích hợp theo các tiêu chí sau: Kem chống phổ rộng (chống cả tia UVA và UVB), chỉ số chống nắng SPF ≥ 30, loại không thấm nước (water-resistance hoặc very water-resistance) và dạng sử dụng theo ý thích của mình (kem, dầu, lotion, gel hay xịt). Chúng ta nên thoa trước khi ra nắng 30 phút, thoa lại lần 2 sau khi tiếp xúc nắng 30 phút và sau đó cứ mỗi 2 giờ thoa lại một lần. Lưu ý, bạn không sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Để ý các bề mặt phản chiếu như mặt nước, tuyết, cát và kính. Chúng có khả năng phản chiếu tia nắng mặt trời, vô tình gây hại cho làn da, tăng nguy cơ bị cháy nắng cũng như ung thư da.
Bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím.
Nhận biết tác dụng phụ của một số thuốc khiến cơ thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Các thuốc này bao gồm một số loại kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc kháng nấm, thuốc trị tăng huyết áp và một số loại thuốc hóa trị.
Tránh tắm nắng khi ngoài trời đã nắng gắt. Ngoài ra, không nên sử dụng đèn mặt trời, giường nằm tắm nắng hoặc các dịch vụ làm cho da rám nắng bằng cách sử dụng ánh sáng cường độ cao.
Sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây. Tia cực tím có thể xuyên qua mây và qua các loại cửa kính.
Sử dụng son dưỡng môi hoặc son môi có chứa chất chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)