Ở nhà trông con với đủ thứ việc không tên có thể khiến phụ nữ kiệt sức. Vậy nhưng trong mắt người đàn ông ra ngoài làm việc kiếm tiền thì cô vợ ở nhà vẫn thật vô dụng.
Vợ ở nhà trông con bị chồng chê “ham ăn biếng làm”
Trên diễn đàn Zhihu có một chủ đề: “Trong cái nhìn của đàn ông, họ cảm nhận thế nào về một người vợ ở nhà nội trợ, trông con?”. Để trả lời cho câu hỏi đó, một người phụ nữ đã kể lại câu chuyện hôn nhân của chính cô.
Cô ở nhà trông con, làm nội trợ, người chồng đi làm kiếm tiền. Anh ta không hề quan tâm gì đến con cái. Người chồng không biết con bị dị ứng với thứ gì, thích ăn món nào, không biết lịch tiêm vắc xin phòng bệnh của con, chẳng rõ con thích đồ chơi nào, phim hoạt hình gì, cũng chưa bao giờ quan tâm số tiền cần tiêu phí để nuôi con nhiều ít bao nhiêu.
Anh ta chê cô ở nhà ham ăn biếng làm nhưng không bao giờ biết con cần tắm gội ra sao, lúc nào, bởi vì mọi vấn đề, nhu cầu của con đều do cô xử lý.
“Anh ta nào biết thời điểm mình vẫn ngủ thì tôi đã rời giường chăm sóc con, cho con ăn. Anh ta trách móc thức ăn nguội lạnh hết mà không hay lúc ấy tôi cũng chưa ăn uống gì. Anh ta không biết sau khi mình đi làm thì tôi bắt đầu giặt quần áo, vệ sinh, dọn dẹp, kiểm tra nhu yếu phẩm trong nhà rồi đi mua đồ. Anh ta cho rằng mọi thứ ở nhà có thể tự nhiên biến thành sạch sẽ”, cô viết.
Chu trình cho con ăn, tắm rửa cho con, giặt giũ, dọn dẹp, chơi với trẻ ấy cứ lặp đi lặp lại trong ngày. 10 giờ tối cô mới vào phòng ngủ, 6 giờ đã rời giường. Cuộc sống đơn điệu nhàm chán ngày này qua ngày khác, không có ngày nghỉ, không có giờ giấc làm việc cố định, không có thời gian dành cho bản thân. Và đặc biệt là không có lương cũng như không hề được tôn trọng.
Để rồi sau nhiều mâu thuẫn và chán chường, cô và chồng quyết định ly hôn.
Câu nói phũ phàng ngày ra tòa và màn “quay xe” sau đó chỉ vỏn vẹn nửa năm
“Cả ngày sung sướng, nhàn rỗi nằm dài nghịch điện thoại, chơi game, nghĩ đến là đã thấy thoải mái rồi”, đó là lời người chồng nói với vợ vào thời điểm hai người ly hôn.
Người chồng kiên quyết giành quyền nuôi con, cảm thấy việc nuôi 1 đứa trẻ vô cùng đơn giản, đến con vật còn có thể chăm sóc tốt cho cả đàn con của chúng (nguyên văn lời người chồng). Và cô vợ đồng ý. Cô vừa xây dựng cuộc sống mới cho mình và đến thăm con thường xuyên.
Sau nửa năm ngắn ngủi thì mẹ chồng cũ của cô vì chăm sóc cháu mệt nhọc mà sinh bệnh nặng 2 lần. Lúc này người đàn ông mới vội đến xin vợ cũ tha thứ, mong được đoàn tụ. Anh ta viện cớ mình còn trẻ, thiếu hiểu biết, sau này nhất định sẽ thay đổi song cô không tin.
"Nếu mẹ anh ta sức khỏe tốt có thể chăm cháu thì chắc hẳn anh ta cũng chẳng cần đến tôi", cô vợ trả lời thêm trong phần bình luận. Do đó cô từ chối đoàn tụ với chồng cũ, chỉ đồng ý cùng anh ta chăm sóc con mà thôi.
Đi làm kiếm tiền dĩ nhiên chẳng nhàn hạ. Thế nhưng ở nhà chăm sóc con, quán xuyến việc nhà thì người vợ cũng phải chịu rất nhiều áp lực. Những công việc không tên quấn thân, cuộc sống gói gọn trong căn nhà và đứa con, hiếm khi được ra ngoài gặp gỡ, giao lưu bạn bè. Sự mệt mỏi, bí bách cả về thể xác lẫn tinh thần khiến ở nhà nội trợ trở thành một "công việc" khó khăn.
Vậy nhưng trong nhiều trường hợp người vợ vẫn phải chịu thêm áp lực từ chồng, nín nhịn sự coi thường, khinh rẻ của anh ta. Thậm chí anh ta còn cảm thấy bản thân ưu việt, "trên cơ" khi là người kiếm ra tiền, còn vợ phải có trách nhiệm thỏa mãn lòng hư vinh đó cho chồng. Khi anh ta về nhà, người vợ phải phục vụ chồng thật chu đáo.
Với những cuộc hôn nhân như vậy, sớm muộn gì cũng đi đến bước đường chia ly. Và rồi người đàn ông sẽ sớm nhận ra việc ở nhà trông con tưởng như đơn giản và tầm thường mà chắc gì anh ta đã làm được!