Nón quai thao (còn gọi nón ba tầm, nón dẹt, nón thúng,...) là một loại nón đắt tiền, đẹp và sang trọng, thường các bà, các cô chỉ đội hoặc mang theo trong những dịp lễ, tết, hội hè, hoặc những lúc có công việc nhàn nhã, vui vẻ nhưng cần phải nghiêm chỉnh, lịch sự.
Nếu chiếc áo tứ thân nửa kín nửa hở làm xao xuyến đấng nam nhi thì nón quai thao từ lâu đã đi vào ca dao, dân ca, đi vào tiềm thức của người Việt với những câu ca đằm thắm, trữ tình:
“Ai làm chiếc nón quai thao
Để anh thương nhớ ra vào khôn nguôi”
Hay:
“Ai làm chiếc nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh…”
Cho đến nay, thật khó có thể biết được chiếc nón quai thao đầu tiên ra đời từ khi nào và ai là người sáng tạo ra nó?
|
Một chiếc nón quai thao cũ được phục chế. |
Tương truyền nón xuất hiện ở Hải Dương vào đời Trần (thế kỷ XVIII) sáng tạo cho cung nữ gọi là nón thượng. Qua đời Lê, nón được thêm quai thao. Dân gian tin là có viên quan trong triều, ông Vũ Đức Úy, trong khi được cử làm phó sứ sang Trung Quốc, bỏ công học nghề thủ công, dệt thao rồi về nước truyền nghề: nghề dệt, nghề dùng sợi tơ làm dây đàn, quai thao cho nón.
Tuy không rõ thời gian xuất hiện của chiếc nón quan thao nhưng có điều chắc chắn là, từ khi chiếc nón quai thao ra đời, nó đã dần dần đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người Việt và lập tức trở thành một trong những vật trang sức vừa có ý nghĩa thực dụng cho người phụ nữ Việt Nam, vừa góp phần tôn vinh vẻ đẹp của quý bà, quý cô trong cuộc sống.
Chiếc nón quai thao thường có kích thước khá lớn, đường kính mặt nón ước chừng 70-80 cm, che rợp cả khuôn mặt người đội, tạo nên một không gian rộng, thoáng và mát. Mặt phẳng trên nón lợp lá gồi hoặc lá cọ, sát phía dưới là thành nón cao độ 10-12 cm. Giữa nón gắn một vành tròn như nắp tráp vừa đầu đội cao khoảng 8 cm, gọi là cái “khua”. Khua nón làm rất công phu. Nó là những sợi tre nhỏ chuốt bóng khâu lại với nhau bằng chỉ tơ nhiều màu sắc. Những sợi chỉ đan chéo nhau thành hình hoa lá, chim muông thật đẹp mắt.
Quai thao là bộ phận không thể thiếu của chiếc nón, nó chẳng những làm cho nón cân bằng, vững chãi, mà còn làm cho người phụ nữ thêm duyên dáng, thướt tha.
Quai thao làm bằng tơ, nhưng là loại tơ đặc biệt, vừa rẻ, vừa bền lại vừa có giá trị cao. Thông thường các cô gái trẻ thì thích dùng quai thao màu trắng ngà gốc tơ tằm, còn quai thao màu tím, màu đen thì được dùng cho phụ nữ đã lập gia đình. Quai thao gồm từ 2 đến 3 sợi bện lại với nhau (gọi là quai kép), thả võng đến thắt lưng. Khi đội đầu, người phụ nữ lấy tay giữ quai ở trước ngực, nón không bị đung đưa lại tiện điều chỉnh khi đội thẳng hay lúc cần nghiêng nghiêng che nắng… Hai đầu quai thao có chừng mươi mười hai túm tua nho nhỏ, dài chừng 20-25 cm rủ xuống trông mềm mại, vui mắt.
Từ xưa đến nay, làng Triều Khúc, tổng Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là Triều Khúc, huyện Thanh Oai, Hà Nội) là một làng nghề thủ công chuyên làm quai thao để đính vào nón thúng. Nón thúng thì phải đặt mua tại làng Chuông (nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Người làng Triều Khúc dệt thao rất nhanh và khéo. Nhiều khi họ không cần nhìn vào bàn dệt, miệng vẫn chuyện trò, cười nói, ấy vậy mà dây thao vẫn đều và mượt, cấm có lỗi nhỏ nào. Sợi thao sau khi dệt xong phải qua công đoạn tết nút, nhiều đoạn được thắt lại thành những họa tiết vừa đẹp mắt, lại làm cho dây thao thêm chắc. Mỗi bên đầu quai thao có hai quả cù, to bằng ngón tay cái, được đan tết công phu, rủ xuống thành tua dài tới 25 cm. Tua được cắt bằng đầu, không để cho sợi dài, sợi ngắn lởm chởm. Người ta có thể để quả thao song song với nhau hoặc so le là tùy ý. Dây thao được tết thường dài tới 2, 3 thước.
Muốn dây có màu thật trắng, người ta đem chuội tơ với nước tro rơm, sau đó với mỡ lợn, cơm xôi rồi ngâm một đêm thì thao sẽ có màu trắng phau. Muốn nhuộm vàng thì cho thêm phẩm để tơ dệt thêm trắng, vàng óng. Còn nếu muốn nhuộm đen thì phải dùng thuốc hoàn nguyên để không bị phai, thôi. Khâu cuối cùng là đính quai thao vào nón để khi mặc với áo tứ thân, áo mớ ba, mớ bảy, váy lĩnh đen bóng, lưng đeo xà tích, đầu đội nón quai thao có tua rủ xuống bờ vai sẽ khiến cho các bà, các cô, các mợ càng thêm vẻ mặn mà, đài các…
|
Những liền chị vùng Kinh Bắc trong trang phục áo mớ ba mớ bảy và nón quai thao. |
Đã hơn nửa thế kỷ nay, nón quai thao và những tấm áo mớ ba, mớ bảy đã lùi xa vào dĩ vãng. Làng Triều Khúc chuyên làm quai thao và làng Chuông chuyên làm nón thúng nổi tiếng khi xưa nay đã đổi nghề. Vì vậy, chúng ta và cả bạn bè, du khách quốc tế chỉ còn biết đến trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam thời trước, biết đến nón quai thao trên các sàn diễn sân khấu, nhất là trên sàn diễn dân ca quan họ Bắc Ninh… Tuy vậy, những trang phục đơn sơ, giản dị ấy đã đi vào tiềm thức và luôn lắng đọng trong tâm hồn của người phụ nữ Việt.