Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TPHCM), cho biết, kratom tên khoa học là mitragyna speciosa, có nguồn gốc từ một loại cây ở vùng Đông Nam Á thuộc họ cà phê dùng để giảm đau. Hoạt chất có trong cây kratom là mitragynine và 7-hydroxymitragynine(7-HMG) làm tăng sự tỉnh táo, tăng khả năng vận động thể chất, cởi mở, thích nói chuyện/giao tiếp và gia tăng các hành vi.
Bột hoặc lá của loại cây này thường được chế biến dưới dạng trà hoặc thuốc hút, đôi khi còn nhai trực tiếp. Chỉ cần vài gam chất kratom có thể làm cho người sử dụng say tới 3 giờ. Với liều thấp sẽ có tác động kích thích, liều trung bình sẽ có tác động giảm đau và liều cao sẽ gây hiệu ứng khoái cảm tương tự như thuốc phiện. Tuy là một chất gây nghiện rất mạnh nhưng kratom lại không được kiểm soát.
Cũng theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) mới đây đã từ chối cấp phép lưu hành tại quốc gia này các thực phẩm chức năng hay thuốc đông dược có thành phần từ lá kratom.
FDA đã yêu cầu cơ quan chức năng tịch thu các lô hàng nhập khẩu có chứa kratom và tuyên bố kratom bị xem là một chất giống thuốc phiện (morphine like). Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) đã xếp kratom vào bảng 1 (nghiêm cấm sản xuất, mua bán dưới mọi hình thức).
Tại Việt Nam, loại chất này du nhập về Việt Nam chủ yếu bằng cách xách tay và được rao bán tràn lan trên các trang mạng. Dạo một vòng quanh các trang bán hàng online, không khó để tìm ra các loại thực phẩm chức năng chứa kratom với những lời quảng cáo hoa mỹ như: “Kratom không gây nghiện”; “Kratom có tác dụng an thần, giảm cảm giác lo âu và căng thẳng, thay vào đó là gây hưng phấn và hạnh phúc, tăng sức chịu đựng, sức mạnh, tăng ham muốn và hoạt động tình dục”… Tuy nhiên, theo các chuyên gia cảnh báo, kratom có nhiều nguy cơ hơn lợi ích đem lại và nguy cơ cao của sự lệ thuộc. Sử dụng lâu dài có thể dẫn đến các trường hợp rối loạn tâm thần với ảo giác, hoang tưởng và lú lẫn.
Sử dụng liều cao hay dùng chung với nhóm thuốc phiện (codein, hydrocodone, oxycodone…) có nguy cơ dẫn đến ngộ độc, với các triệu chứng nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, suy hô hấp và có thể tử vong.
Vì vậy, khi được mời chào mua thuốc trị đau nhức dạng thực phẩm chức năng, cần xem xét thành phần của nó. Nếu trong thành phần có chữ kratom/ketum hay mitragyna speciosa (lá) hoặc mitragynine (hoạt chất) thì nên từ chối, vì đây là một loại chất gây nghiện dạng giống thuốc phiện.
“Các loại thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa thành phần kratom hiện chưa bị luật pháp Việt Nam cấm. Song chuyện cấm kratom chỉ là vấn đề thời gian, vì cả thế giới đều nhìn vào nền y khoa Mỹ và FDA là một hàng rào tin cậy.
Hiện ngoài Mỹ, các nước như Australia và New Zealand (1-2015), Canada (10-2016), EU (2011), Anh (2016)… đã cấm kratom”, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển thông tin.