Nhiều người cho rằng chân gà có thể giúp bổ sung collagen, tốt cho da và xương khớp. Tuy nhiên, xét về mặt dinh dưỡng, chúng có thực sự mang lại những giá trị như vậy?
Lượng collagen trong chân gà rất nhỏ
Trả lời điều này, thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi - Viện Dinh dưỡng lâm sàng - cho hay: "Collagen là thành phần rất tốt cho các vấn đề xương khớp. Tuy nhiên, khi chúng ta ăn chân gà một lượng đủ để nhận được ảnh hưởng tích cực đó, nhiều khả năng cơ thể sẽ gặp phải các bệnh lý liên quan đến rối loạn mỡ máu".
Lượng collagen rất nhỏ từ phần gân trong chân gà không đủ để đáp ứng nhu cầu của xương khớp dù chúng ta ninh nhừ. Bởi vậy, bác sĩ Tường Vi khuyên mọi người nên bổ sung collagen bằng cách khác khi muốn cải thiện sức khỏe xương khớp.
|
Da gà là phần thường bị bỏ đi ở các nước phương Tây. Ảnh: Ruled Me.
|
Nguy cơ rối loạn chuyển hóa lipid vì da gà
Thực tế, ở nhiều quốc gia, da của gà cũng như các loại gia cầm nói chung thường bị bỏ qua. Thậm chí, chúng còn được khuyến cáo là không tốt cho sức khỏe vì nhiều chất béo.
"Chất béo dưới lớp da của gia cầm là dạng chất béo no nên mang đến những tác hại không tốt đến cơ thể", bác sĩ Tường Vi cho biết thêm.
Chuyên gia khuyến cáo người dân nên hạn chế việc tiêu thụ thực phẩm này để phòng tránh các vấn đề liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất béo.
Trên lý thuyết, 1 gram chất béo tương đương 9 kcal, nhiều hơn tinh bột (4 kcal) và đạm (4 kcal). Yếu tố này trực tiếp dẫn đến vấn đề thừa cân, béo phì khi năng lượng nạp vào cao hơn tiêu hao.
"Không chỉ da gà, khẩu phần ăn quá nhiều thịt có thể gây ra rối loạn chuyển hóa lipid bởi thịt nạc cũng chứa một lượng mỡ nhất định trong thành phần dinh dưỡng", bác sĩ Tường Vi cho hay.
Những người gầy cũng có thể gặp phải vấn đề này do liên quan đến yếu tố di truyền. Khoảng 75-80% cholesterol trong máu được sản xuất ở gan và các cơ quan khác trong cơ thể, phần còn lại đến từ thức ăn. Do đó, những người có vấn đề về rối loạn chuyển hóa chất béo nên hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol như mỡ động vật, thịt, sữa, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật,...
"Người dân nên hạn chế các chất béo no đến từ động vật, thay thế chúng bằng nguồn chất béo không no như omega 3, omega 6 từ dầu thực vật, dầu gan cá, ưu tiên ăn cá thay thịt lợn, bò, gà với tần suất khoảng 2-3 lần/tuần", bác sĩ Tường Vy khuyến cáo.
Omega 3 còn được gọi là axit béo không no cần thiết, chúng không thể tự tổng hợp trong cơ thể và rất tốt cho sức khỏe. Omega 3 có tác động tích cực tới mắt cũng như các hoạt động của não và tim mạch. Đặc biệt, omega 3 còn giúp phòng ngừa các yếu tố viêm, hỗ trợ quá trình tập luyện giảm cân, giảm mỡ.
Theo bác sĩ Tường Vi, bên cạnh yếu tố dinh dưỡng, chân gà cũng gây lo ngại về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi chúng được nhập khẩu từ nhiều nơi, không rõ ràng về xuất xứ. Thậm chí, nhiều lô chân gà được phát hiện mốc, ôi thiu. Do đó, người dân cần cảnh giác khi sử dụng loại thực phẩm này.